Kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Geneva (1954 - 2024)-Mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam: Bài 3: Thắng lợi mang tính bước ngoặt (Tiếp th

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Hội nghị Geneva được ký kết bao gồm nhiều văn kiện, nhưng chủ yếu là: 3 hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia; bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị; bản tuyên bố riêng ngày 21-7-1954 của Mỹ tại Hội nghị Geneva; bản tuyên bố của Chính phủ Pháp ngày 21-7-1954; các công hàm trao đổi giữa Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng với Thủ tướng Pháp Pierre Mendès France.

Theo hiệp định, những thỏa thuận đã đạt được chung cho 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia là: “Công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân 3 nước Đông Dương là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào nội bộ của mỗi nước. Đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương. Pháp rút quân khỏi lãnh thổ 3 nước; Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Lào và Campuchia. Không có căn cứ quân sự ngoại quốc và không liên minh quân sự với nước ngoài. Không trả thù những người hợp tác với đối phương. Trao trả tù binh và những người bị giam tù. Ủy ban liên hiệp và Ủy ban kiểm soát, giám sát quốc tế”.


 
Với Hiệp định Geneva, ở mỗi nước còn đạt được những thỏa thuận riêng. Đối với Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời, không coi là ranh giới chính trị hay lãnh thổ; Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở Bắc vĩ tuyến 17, quân đội liên hiệp Pháp tập kết ở Nam vĩ tuyến 17. Hiệp thương giữa hai miền vào tháng 7-1955 và tổng tuyển cử vào tháng 7-1956. Tự do lựa chọn vùng sinh sống. Việc chuyển quân và rút quân chậm nhất 300 ngày. Bản hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam bao gồm 6 chương, 47 điều; ngoài ra còn có phụ bản kèm theo nói rõ thêm về “giới tuyến quân sự tạm thời, khu phi quân sự và các khu đóng quân tạm thời”.


Kết quả của Hội nghị Geneva năm 1954 về hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết trong bối cảnh, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp và bị chi phối bởi ý đồ chiến lược, lợi ích của các nước lớn tham gia hội nghị, nên chưa phản ánh đầy đủ xu thế thắng lợi của ta trên chiến trường và xu thế chính trị của cuộc đấu tranh giữa ta và Pháp, các yêu cầu và mục tiêu của Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra lúc ban đầu. Tuy nhiên, hiệp định được ký kết là một thắng lợi to lớn, vẻ vang của nền ngoại giao cách mạng non trẻ của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á-Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đó là một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống xâm lược; sự đoàn kết nhất trí, chiến đấu kiên cường trong suốt 9 năm, đặc biệt là phát huy được thế thắng của ta trên chiến trường sau Chiến thắng Điện Biên Phủ.


Ngay sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, ngày 22-7-1954, trong Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneva đã thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, các nước lớn đã phải công nhận những quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam gồm độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là một văn kiện pháp lý quốc tế, một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự nhằm kết thúc cuộc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; chấm dứt sự có mặt của quân đội Pháp ở Đông Dương; xóa bỏ ách đô hộ kéo dài gần một thế kỷ của thực dân Pháp ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương. Nó vượt ra ngoài ý đồ ban đầu của các nước lớn định giới hạn Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia trong khuôn khổ của một hiệp định ngừng bắn đơn thuần kiểu Triều Tiên. Về mặt chính trị và pháp lý, các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia là chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được các nước tham gia hội nghị công nhận và cam kết tôn trọng. Hiệp định Geneva là thắng lợi to lớn có tính bước ngoặt của cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do của dân tộc; xác nhận trên phạm vi quốc tế sự thất bại của cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn của một thực dân hùng mạnh, mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên quy mô toàn cầu, góp phần cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trên thế giới.


Đánh giá về Hiệp định Geneva, Nghị quyết của Bộ Chính trị (tháng 9-1954) về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách của Đảng đã nêu rõ: Đó là một thắng lợi của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Khmer. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống thực dân gần một thế kỷ nay của nhân dân Đông Dương, đặc biệt đó là kết quả cuộc đấu tranh vũ trang anh dũng của nhân dân Việt Nam trong tám, chín năm nay dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.


34 năm sau (tháng 11-1988), khi đánh giá về ý nghĩa của Hiệp định Geneva, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã kết luận: Với Hiệp định Geneva năm 1954, tuy ta chưa hoàn thành mục tiêu giải phóng cả nước, nhưng đã đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng: Đánh bại thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững mạnh, chuẩn bị điều kiện để tiến lên tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này.


70 năm đã trôi qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, nhưng Hiệp định Geneva vẫn luôn giữ nguyên giá trị, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.


LÊ VĂN THÀNH


* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom