Hợp tác xã thông minh tạo nguồn lực cho ngành nông nghiệp

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Bài 1: Nâng cao năng lực sản xuất

Liên kết sản xuất tập trung theo hướng chuyên canh, đồng thời áp dụng công nghệ thông minh đang được các HTX nông nghiệp quan tâm đầu tư phát triển, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Đây được xem là mũi đột phá, không chỉ giải quyết bài toán thu nhập mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.


Hiện nay, rất nhiều địa phương khuyến khích các HTX phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh bởi những kết quả tích cực mà các mô hình này đem lại.

Từ những cánh đồng thông minh…

Được xác định là địa phương trọng điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh Hà Nam với hơn 9.000 ha đất canh tác, huyện Bình Lục có nhiều mô hình HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2019, huyện đã đề xuất cơ chế đặc thù và liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương xây dựng điểm ba mô hình nhà kính công nghệ cao có diện tích 500m2/nhà, để sản xuất dưa vân lưới tại các xã Bình Nghĩa, Hưng Công và An Ninh. Cùng với đó, huyện có cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân xây dựng nhà kính, nhà màn trồng rau, củ, quả theo đề án “Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025”.

Mô hình trồng nho mẫu đơn, nho hạ đen trong nhà màng rộng 2 ha theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du (xã Đồng Du, huyện Bình Lục), được đầu tư về kỹ thuật, chế độ chăm sóc, quảng bá và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Giám đốc HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du Phạm Văn Đức chia sẻ, hiện cây nho mẫu đơn, nho hạ đen phát triển rất tốt, cho giá trị gần 1 tỷ đồng/ha/năm, cao hơn nhiều lần những loại cây trồng khác.

Ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp cũng là thế mạnh của tỉnh Sơn La. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, địa bàn hiện có 864 HTX sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có khoảng 30% số HTX đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: Công nghệ tưới, phần mềm quản lý, tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử.

Tại các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Mai Sơn, những vườn cây ăn quả xanh ngát được ứng dụng hệ thống tưới nước chủ động, sản xuất theo hướng hữu cơ và theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn được xem là đơn vị tiên phong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông minh vào quá trình sản xuất. Trước đây, thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên HTX phải ghi chép nhật ký sản xuất thủ công trên giấy, khi có lô hàng xuất khẩu lại mất nhiều thời gian để tìm kiếm. Nay việc ghi chép nhật ký đã được giải quyết bằng cổng thông tin egap.vn, chỉ với điện thoại thông minh có kết nối internet, HTX dễ dàng cập nhật lịch sử canh tác, quản lý tốt hoạt động sản xuất và công khai minh bạch nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đến người tiêu dùng.

… đến những sản phẩm giá trị


Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2023, cả nước có 100 liên hiệp HTX và 20.789 HTX nông nghiệp, trong đó có gần 2.500 HTX ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, đặc biệt có hơn 4.339 HTX tham gia đảm nhận bao tiêu nông sản cho thành viên và 2.169 HTX là chủ thể OCOP. Doanh thu bình quân mỗi HTX đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, đạt bình quân 400 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt 52 triệu đồng/người/năm. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tạo nên kỳ tích về giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất canh tác; rút ngắn khoảng cách về thu nhập giữa lao động trong ngành nông nghiệp với các ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp…

Giám đốc HTX Tây Bắc, thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, Nguyễn Thị Yến Linh cho biết: Hơn bảy năm xây dựng thương hiệu, hiện tại sản phẩm tỏi đen của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sau khi được đăng ký mã vạch truy xuất, nguồn gốc sản phẩm ngày càng minh bạch, được người tiêu dùng ưa chuộng, biết đến nhiều hơn và đã tạo dựng, mở rộng mạng lưới bán hàng online trên các website lớn như Lazada, Shopee, Sendo. Đến nay, doanh thu bình quân của HTX đạt gần 4 tỷ đồng/năm. Không chỉ có tỏi đen, hiện địa phương cũng đã và đang phát triển thành công mô hình trồng sâm Ngọc Linh áp dụng công nghệ cao, được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng, với nhiều triển vọng đem lại lợi ích kinh tế cao.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng là lựa chọn của HTX Hoàng Trà, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Giám đốc HTX Hoàng Trà Trần Đăng Nhàn cho biết, khi mới thành lập HTX chỉ có một máy sấy công suất nhỏ vài chục kg/ngày, nay nâng lên bốn máy, công suất 500 kg/ngày và trở thành cơ sở sấy thăng hoa lớn nhất tỉnh Hà Nam. Sản phẩm được sấy khô thông qua quá trình thăng hoa của nước dưới nhiệt độ và áp suất thấp trong điều kiện chân không, giúp sản phẩm không những giữ nguyên màu sắc, mùi vị, không làm biến đổi chất dinh dưỡng, mà còn rất tiện lợi trong khi vận chuyển so với trà sen sấy bằng nhiệt. Ngoài sản phẩm trà sen, HTX Hoàng Trà còn có nhiều loại sản phẩm như: trà làm từ lá sen, củ sen sấy, hạt sen sấy gia vị…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục Đỗ Thế Trọng cho biết: Tại địa phương, hiệu quả từ các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều cao hơn sản xuất truyền thống từ 1,5 đến 3 lần. Những mô hình sản xuất trong nhà kính công nghệ cao đạt từ 60 đến 80 triệu đồng/mô hình 500m2/năm.

Cùng với đầu tư, ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh vào sản xuất, bán hàng, HTX và người dân tại các địa phương đã tạo nên những kỳ tích trên chính đồng ruộng của mình qua những sản phẩm chủ lực OCOP. Ngoài tự lực, tự chủ và tiên phong đổi mới công nghệ, tự thân các HTX còn đẩy mạnh hợp tác, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học-công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị nhằm phát triển các cụm liên kết sản xuất, trồng trọt đến chế biến và tiêu thụ tại địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết, Sơn La đã xây dựng Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tập trung bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, trong đó phấn đấu giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao nhiều hơn ba lần trở lên so với canh tác truyền thống.

(Còn nữa)

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom