Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Thành công không bỗng nhiên mà có

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Trong cuộc trò chuyện thân tình, anh nhắc nhiều đến sự quan trọng của nền tảng và nỗ lực không ngừng của người họa sĩ. Với anh, làm nghệ thuật, để đi đến tận cùng con đường ấy là sự trả giá, day dứt, thậm chí đau khổ của người nghệ sĩ. Bức tranh đáng giá hay đắt giá, đôi khi, không liên quan lắm đến người sinh ra nó… Và, anh chắc chắn một điều, tài năng không tự tìm đến ai, thành công cũng không tự nhiên mà đến.

Phải sống như một người bình thường để làm được cái bất thường

- Thưa anh, tôi tò mò tự hỏi, sống đời sống của một họa sĩ nổi tiếng, anh có thấy khác biệt với người thường không bởi mọi người vẫn nghĩ rằng, những người làm công việc sáng tạo, đặc biệt là họa sĩ, hẳn họ có cá tính và cuộc sống khác biệt với người thường, anh có thể nói gì về điều này?

+ Tôi nghĩ, nghề nào cũng có hạnh phúc riêng nếu chúng ta yêu nghề. Tôi quá yêu nghề này nên tôi thấy hạnh phúc chứ không khác biệt. Những nghệ sĩ hiểu thấu đáo vị trí, công việc của mình lại là những người rất bình thường. Còn những người tỏ vẻ ra mình là nghệ sĩ có khi lại chưa chắc đạt được thành tựu gì trong sự nghiệp. Tôi sống rất đơn giản, từ một cậu bé thích vẽ, học hết phổ thông rồi thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam... Suốt đời mình, tôi chỉ chú tâm làm một công việc mình yêu. Làm nghề hơn 40 năm, lúc nào tôi cũng thấy mình là người bình thường, còn có gì đặc biệt, khác thường, tôi dành cho tác phẩm. Nếu mình sống khác thường, bất thường (tất nhiên đó là cách mà mọi người thường nghĩ về những người làm nghệ thuật) kiểu lên gân lên cốt cứ phải phô mình ra thì tôi quan niệm khác.

Tôi nghĩ, đời sống có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo,... cao lương mỹ vị cũng ăn được, chứ không phải tôi chỉ ăn cái này, không ăn cái kia. Như một bác nông dân cày xong thửa ruộng thấy thoải mái, thì mình vẽ xong bức tranh cũng thế. Phải sống được cuộc sống tối thiểu nhất của người bình thường rồi từ đó mới dồn cái tinh túy để làm cái "bất thường", cái "lạ thường". Nếu chưa có cái bình thường mà trở thành bất thường một cách đột ngột là bị lên gân. Họa sĩ không phải là diễn viên, nên đôi khi họ nhầm lẫn ngay từ đầu.

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Thành công không bỗng nhiên mà có -0

 

- Khi còn trẻ anh đã có những suy nghĩ rất già dặn. Bất kỳ ai cũng có một người thầy, người thầy của anh là ai trong tinh thần quay về truyền thống?

+ Khi tôi vào học Trường Đại học Mỹ thuật, tôi như một tờ giấy trắng. Trường học lúc đó với tôi như một chân trời mới, một thánh đường. Tôi chịu ảnh hưởng thẩm mỹ phương Tây vì ngôi trường 42 Yết Kiêu là trường dạy mỹ thuật theo mô hình của Ecole Des Beaux - Arts De Paris do người Pháp xây dựng, các thầy giáo của tôi là những học trò xuất sắc qua nhiều thế hệ được giữ lại trường để giảng dạy nên dạy rất bài bản và kỹ lưỡng. Tôi rất ham học, muốn hiểu tường tận mọi thứ. Tôi xác định đây là con đường mình chọn nên lao vào học đến nơi đến chốn. Tôi hay có những câu hỏi tự đặt ra và tự trả lời. Nhưng, thú thật, đến tận năm thứ 3, năm thứ 4, tôi mới cảm nhận được thế nào là xấu - đẹp, là có thẩm mỹ. Có lẽ, ông trời đã thương, cho tôi cảm nhận khác biệt, sớm nhận ra con đường mà tôi sẽ đi. Các bạn thấy tôi già dặn nhưng với nghệ thuật, lúc nào tôi cũng thấy mình non.

Học mỹ thuật ở 42 Yết Kiêu, các thầy dạy tư duy kiểu phương Tây nhưng chúng ta là người Việt, mang tâm hồn Việt. Tôi ngộ ra rất sớm, tính dân tộc là hồn cốt của mình, như ngôn ngữ, chữ viết vậy. Tôi may mắn được gặp những bậc thầy như bác Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, nhìn tác phẩm của họ, tôi nhận ra cách họ làm nên tên tuổi. Bác Phái sống ở phố cổ nghèo nàn, u uất, bác vẽ đúng con phố ấy, ra tâm hồn Hà Nội thời bao cấp. Bác Nghiêm quay về các mô típ cổ, những họa tiết của đình chùa, miếu mạo và với cách nhìn đương đại thành một Nguyễn Tư Nghiêm lừng lững, khác biệt.

Học truyền thống không phải là sao chép thụ động hoặc thô thiển, bê nguyên xi những họa tiết cổ lên tranh mà cần hiểu biết văn hóa nền, cảm nhận hồn cốt của nó, để khi sáng tác, người nghệ sĩ sẽ có cái riêng, vẫn là hồn Việt nhưng không nhại cổ một cách cố tình, gượng gạo. Điều này nói thì dễ nhưng làm rất khó bởi ranh giới giữa chúng rất mong manh. Nghệ thuật Việt Nam đương đại đang bị sao nhãng tính dân tộc, bị lẫn trong khu vực vì thiếu dân tộc tính. Tất nhiên, khi mở cửa phải hòa đồng với thế giới, nói những vấn đề có tính toàn cầu nhưng vẫn phải giữ được sự riêng biệt. Có như vậy mới được đánh giá cao ở quốc tế. Mỗi nghệ sĩ đều phải đề cao tính dân tộc trong sáng tạo của mình. Nó là cốt lõi cho anh thỏa sức sáng tạo và không bị trộn lẫn.

- Trước thời kỳ Đổi mới, các họa sĩ chủ yếu sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đến thời kỳ Đổi mới, quan niệm sáng tác nghệ thuật đã có sự chuyển mình nhờ thế hệ nghệ sĩ trẻ, trong đó Đặng Xuân Hòa là một trong những đại diện tiêu biểu. Anh làm cách nào để tìm được con đường của mình, khắc vân tay Đặng Xuân Hòa đậm nét trong hội họa Đổi mới, khi trước đó mỹ thuật Việt đã có những cái tên lừng lững?

+ Tôi không cố tình tìm đường để làm nên tên tuổi. Đơn giản tôi tìm được niềm yêu thích với hội họa, tôi đào sâu việc học, việc làm với những thứ tôi mê thích. Những năm 80, mới ra trường, nghèo khó, tôi hoàn toàn có thể bỏ vẽ đi làm các nghề khác kiếm được nhiều tiền hơn để nuôi vợ con. Thế nhưng, tôi thấy mình yêu thích vẽ hơn mọi thứ. Tôi từng đi làm công chức. Cuộc sống lúc đó giản dị, thiếu thốn trăm bề nhưng tôi vẫn thấy thỏa mãn bởi những lúc rảnh tôi có một góc riêng của mình, hý hoáy vẽ. Ngoài tình yêu với vẽ thì không có gì thôi thúc tôi vào thời điểm đó đâu, vì bạn bè tôi, nhiều người bỏ vẽ đi kiếm tiền. Còn tôi cứ kiên định với công việc của mình, còn nổi tiếng thế nào thì tôi không nhớ.

Trước Đổi mới là thời kỳ của chủ nghĩa Hiện thực. Giai đoạn lịch sử đó cần nghệ thuật như vậy. Các họa sĩ kháng chiến đã có những chuyến đi thực tế vẽ về nông thôn, vẽ bộ đội. Thế hệ các cụ có cái "ấm ức" vì học một đằng vẽ một nẻo. Nhưng, tôi nghĩ nghệ thuật có cấp độ của nó để đi lên, nghệ thuật cần có thực tế chứ không chỉ ngồi trong nhà để vẽ những thứ mình thích. Tôi nhớ cụ Bùi Xuân Phái sau chuyến đi thực tế về mỏ than Quảng Ninh đã có một series tranh rất đẹp về vùng đất đó. Điều này có giá trị lớn với xã hội chứ ngồi salon vẽ chỉ có ý nghĩa với một số người thôi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, những tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa rất có ý nghĩa. Họa sĩ Tô Ngọc Vân sau khi tham gia cách mạng đã có những phác họa về Điện Biên Phủ rất xúc động. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm có những phác thảo về người mẹ sau trận bom đầy xúc cảm. Các cụ trả giá bằng cách lao vào cuộc sống, đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Và, khi lịch sử đi qua, nó sẽ còn lại nhiều giá trị. Đôi khi có người phủ nhận giá trị nghệ thuật của thời kỳ đó.

Nhưng, ngược lại, tôi thấy họ có những đóng góp rất tốt cho nghệ thuật Việt, bởi cốt lõi của nghệ thuật là nó có đời sống. Danh họa Picasso có một kiệt tác sơn dầu về thành phố Guernica khi Tây Ban Nha bị bom đánh tan hoang. Bức "Guernica" bây giờ trở thành một kiệt tác thế giới treo ở Đại hội đồng Liên hợp quốc... Điều đó cho thấy, nhân cách của một nghệ sĩ lớn là họ luôn bước tiếp và luôn hiện diện, đồng hành trong đời sống xã hội mà họ đang sống, dù tốt hay xấu. Đấy là thái độ rất tích cực của một thiên tài, chứ không phải cứ thấy cái gì xấu thì phủ nhận, không phải của tôi, cái gì đẹp thì vơ vào.

Khi vẽ, tôi vẽ bằng tâm hồn mình

- Anh có nghĩ mình sinh ra đúng thời không?

+ Đó là may mắn, ai cũng sinh ra vào khoảnh khắc nào đó trong tiến trình lịch sử của đất nước.

- Và, thời bao cấp nghèo khó, anh đã mang cái hiện thực khắc khổ ấy vào tranh của mình bằng một cách rất đặc biệt?

+ Tôi nghĩ, sở dĩ các tác phẩm của tôi được đón nhận vì tôi chân thành với cuộc sống cùng với cảm xúc cá nhân và trải nghiệm của bản thân. Những chiếc đèn dầu, cốc nước trà, góc quán nhỏ, những đứa trẻ ở quê lên Hà Nội đói ăn, lang thang gầy guộc... hiện thực hằng ngày đập vào mắt mình. Những thiếu thốn, nghèo khó ấy vào tranh một cách tự nhiên, như đời sống vẫn thế và như một nhu cầu tự thân vậy.

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Thành công không bỗng nhiên mà có -0

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa đưa những nét cọ đầu tiên trên bức tranh mới.


- Vì sao anh không vẽ tả thực, trong khi anh đánh giá cao chủ nghĩa hiện thực?

+ Vì tả thực là phương pháp diễn tả những điều mình nhìn thấy, còn tôi khi vẽ thì bằng cảm nhận tâm hồn mình trước hiện thực đó, không chỉ vẽ cái tôi nhìn thấy mà còn vẽ cái tôi cảm thấy. Năm 1994, khi đó 35 tuổi, tôi đã trả lời một nhà phê bình mỹ thuật người Mỹ rằng: "I want to express an intensity of feelings, so I paint not what I see but what lays beneath what I see" (Tôi muốn thể hiện những cảm xúc mãnh liệt về đời sống nên tôi không vẽ những gì tôi nhìn thấy mà tôi vẽ những gì tôi cảm thấy).

- Phải chăng, tư duy khác biệt đó đã làm nên chất "quái" mà giới chuyên môn cũng như công chúng yêu nghệ thuật nói về anh?

+ Tôi không nghĩ đó là "quái" mà là tư duy của một người làm nghệ thuật thẳng tắp, không uốn éo. "Quái" nghe có vẻ làm xiếc mà nghệ thuật thì không thể làm xiếc. Tôi muốn nhắc lại rằng, nghệ thuật hãy cứ giản dị và chân thành thì mới có hy vọng làm nên khác thường. Ngày xưa, cứ nghĩ nghệ thuật là cái gì cao siêu, long lanh, kinh khủng lắm, nhưng đến bây giờ tôi hiểu, mỹ thuật là sự giản dị, không thể làm quá lên một cách khiên cưỡng, gò ép. Mỹ thuật không phải là văn chương, sân khấu, hay điện ảnh.

Họa sĩ không phải là một nghệ sĩ tuồng ra sân khấu, phải "lồng lộn" phương tiện biểu đạt, phải hô hào "như ta đây" được. Nó có cái khắt khe riêng. Có người cứ phải gồng lên, lẫn lộn tuồng chèo, cải lương, nhiếp ảnh vào mỹ thuật... Nghệ thuật hiện đại bây giờ chấp nhận hết, nhưng có đích thực hay không và có đi đến nơi đến chốn, có thành công sau sự pha trộn đó không, phải chờ thời gian.

Đừng nghĩ tất cả những bức tranh đắt giá đều có nghệ thuật

- Năm 2008, họa sĩ Đặng Xuân Hòa giữ vị trí thứ 12 trong top 30 nghệ sĩ bán tranh đắt giá nhất Đông Nam Á (tổng kết từ hai nhà đấu giá Sotheby's và Christie's) và top 10 của nhà đấu giá Larasati (phần đấu giá nghệ thuật Đông Nam Á đương đại) tại Amsterdam, Hà Lan. Không những vậy, tranh của anh còn được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật quốc gia của Việt Nam, Singapore và Malaysia. Anh nhớ gì về thời kỳ đó?

+ Tôi không nghĩ gì nhiều vì việc của mình là vẽ, tôi cứ vẽ thôi. Thị trường nghệ thuật ở Việt Nam đến bây giờ vẫn bấp bênh lắm, nó không có thị trường, khác hẳn Hong Kong, Singapore... Các nước có một thị trường nhất định, còn ta vừa mở cửa, nhiều nhà sưu tầm vào thấy nghệ thuật Việt Nam mới mẻ và giá không đắt nên họ mua. Điều đó cũng rất khuyến khích cho sáng tác của các họa sĩ. Trường hợp của tôi thấy có chút tự hào cho một họa sĩ Việt trên thị trường quốc tế.

Nhưng, nghệ thuật đích thực không phải lấy đó làm đích đến. Dù có những cột mốc trong cuộc đời họa sĩ thì cũng đừng cho rằng tranh đắt giá là nghệ thuật cao. Trên thị trường có nhiều cách nhìn và nhiều túi tiền khác nhau. Có người sẵn sàng bỏ một số tiền nhỏ lại mua được một tác phẩm có chất lượng, nhưng có những người tốn nhiều tiền lại mua về những thứ không phải nghệ thuật. Rất khó, phải có quan điểm nghệ thuật, quan điểm sống và cách nhìn thấu đáo trong cả sự nghiệp của người nghệ sĩ, đặt họ trong thời khắc nào đó để đánh giá. Giá trị đó mới đích thực chứ không hẳn tôi bán chừng này tiền thì tranh tôi đẹp. Và, không phải người không bán được tranh là tranh của anh ta xấu.

- Vậy, theo anh, giữa một bức tranh đắt giá và giá trị nghệ thuật, ranh giới của nó thế nào?

+ Hai điều này vô cùng khác nhau. Các bạn phải có nghề hoặc có chuyên gia tư vấn nghệ thuật để hiểu đúng. Đôi khi, chúng ta vẫn bị nhầm lẫn bởi người họa sĩ làm việc với tinh thần, quan điểm nghệ thuật của họ, là sự thôi thúc bên trong chứ không phải hướng tới con số 1 tỷ hay 2 tỷ. Chẳng qua, sự cống hiến của họ được xã hội tôn vinh bằng một giá trị đồng tiền nào đó. Nhưng, họa sĩ phải rất tỉnh táo để hiểu rằng, khi người mua chán rồi họ có thể hạ tranh của anh xuống, thậm chí vứt bỏ, không treo nữa vì chẳng mấy ai yêu ai suốt đời. Nó có giá trị với một vài người đã là quý rồi, làm gì có đến 50 người thích một bức tranh. Họa sĩ không những phải chấp nhận chuyện đó, mà phải hiểu để phấn đấu vẽ hay hơn. Nếu mình thỏa mãn vào một giá tiền nào đó sẽ dễ vẽ những bức tranh có giá rẻ. Phải có sự thúc đẩy từ bên trong, phải làm cho chất lượng nghệ thuật ngày càng tốt hơn chứ không phải để bán giá cao hơn.

- Anh nghĩ thế nào nếu họa sĩ chọn con đường an toàn. Điều này có mâu thuẫn với những quan điểm của anh?

+ Làm nghệ thuật không có an toàn đâu, an toàn có thể là với thị trường, luôn tiêu thụ được tác phẩm nhưng với nghệ thuật thì lại không an toàn, thậm chí là mất an toàn vì nó làm mất đi tinh thần sáng tạo. Làm nghệ thuật cần phải luôn tìm tòi và sáng tạo... Sự an toàn như con dao hai lưỡi làm hỏng tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ. Tôi nghĩ, lựa chọn đó sẽ làm cho người nghệ sĩ vô cùng thiệt thòi vì họ không dám thử mình trong cách nhìn mới mẻ. Tuy nhiên, muốn làm mới cũng khó đấy, do thói quen, do khả năng nhận thức, do trình độ không làm hơn được. Nên thôi, họ chọn thế cho yên tâm.

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Thành công không bỗng nhiên mà có -0

Nhà văn Như Bình trò chuyện với hoạ sĩ Đặng Xuân Hoà


Tôi hiểu thế nào là cái giá của nghệ thuật đỉnh cao

- Bán được tranh từ sớm, có triển lãm ở nhiều nước trên thế giới, trước khi Mỹ bỏ cấm vận, anh đã được mời qua bên kia bán cầu giao lưu, vẽ và trình diện một tâm thế Việt Nam với bạn bè, người hâm mộ quốc tế? Anh nhớ về những chuyến đi lần đầu tiên đó như thế nào khi Việt Nam vẫn còn nghèo khó, lạc hậu?

+ Đó là năm 1994, tôi sang Mỹ theo lời mời của David Thomas, một cựu chiến binh trong trong chương trình nghệ thuật Đông Dương. Tôi có 6 tháng làm việc, giao lưu và triển lãm cá nhân, sang nơi được gọi là "thiên đường" của thế giới. Lần đầu tiên đi nước ngoài, tôi "choáng" vì thấy đời sống vật chất của họ không còn vướng bận cơm áo gạo tiền nữa. Nhưng, với nền tảng học hành và quan niệm sống, tâm thế của tôi rất bình thản. Lần đầu tiên tôi được xem các bảo tàng nghệ thuật lớn nhất nhì thế giới, nhìn tận mắt những kiệt tác mà hồi sinh viên chỉ được xem qua sách báo, những Pablo Picasso, Henri Matisse, Paul Gauguin, Vincent van Gogh, rất xúc động. Đứng trước các tác phẩm của họ, tôi có cảm giác như các ông ấy vẫn còn sống, họ hiển diện trên những tác phẩm lẫy lừng của mình. Và, khi đứng trước tác phẩm ấy, tôi thấy như được trò chuyện với họ bằng màu sắc, hình ảnh. Vô cùng xúc động. Tôi hiểu thế nào là nghệ thuật đỉnh cao, nó có tác động tích cực đến sáng tác sau này của tôi rất nhiều.

Quả thực, không có bài học nào hay và ngấm bằng thực tế tận mắt nhìn ngắm. Rồi, những chia sẻ của những đồng nghiệp người Mỹ, trước mặt các bạn là những đỉnh núi, họ phải cựa quậy thế nào để đi qua đỉnh núi ấy, đó là cái giá của mỹ thuật hiện đại, rất đắt. Trong cuộc đi này, tôi cũng học được tinh thần tích cực, thái độ sống của người Mỹ, hiểu thế nào là cạnh tranh. Tôi nhận ra điều đó khi còn rất trẻ, tôi hiểu thiên tài không từ trên trời rơi xuống mà phải không ngừng học hỏi, phải làm việc cật lực, có trí tuệ... và được "trời thương".

- Những tác phẩm của anh ngày đó được đón nhận như thế thế nào?

+ Họ thấy lạ lẫm, khác biệt và tò mò. Nhưng, họ tôn trọng vì có một người Việt Nam làm được nghệ thuật mà đến từ Hà Nội. Tôi nghĩ, giá trị của nghệ thuật ở chỗ đó, bởi qua nghệ thuật, họ hiểu tâm hồn người Việt hơn. Họ thấy rất bình dị, mộc mạc. Bây giờ thì họ biết nhiều hơn, có sự tôn trọng hơn, nhưng mỹ thuật đương đại đang chững lại. Những năm trước năm 2000, nghệ thuật Việt đã có những đỉnh cao, nhưng từ năm 2010 bắt đầu đi xuống, chưa gượng dậy được.

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Thành công không bỗng nhiên mà có -0

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.


- Thế hệ anh sinh ra đúng thời điểm, hiện thực cuộc sống điển hình là một thuật lợi. Vậy, trong thời đại này, khi thế giới phẳng, các bạn trẻ dễ bị nhạt nhòa, họ biết bấu víu vào điều gì để thành công?

+ Không ai nghĩ mình sinh ra là sai hay đúng thời điểm. Tài năng rất hiếm. Người trẻ bây giờ điều kiện hơn thế hệ chúng tôi, nhiều người có khả năng nhưng để đi đường dài và thành tên tuổi, họ phải học hành, trả giá cho nó. Đó là hành trình độc lập, rất cá nhân. Giờ thế giới cởi mở và tự do hơn nhiều, hình thức nghệ thuật cũng phong phú hơn nhiều như trình diễn, sắp đặt đa phương tiện... Bây giờ không chỉ có nghệ thuật giá vẽ mà nghệ sĩ được thể hiện bằng nhiều cách như nhiếp ảnh, Photoshop, digital art... Nếu họ thấy "tạng" mình trong đó, họ cứ làm thôi. Không có rào cản nào giới hạn họa sĩ. Có chăng, chỉ là lý do để họ không chịu vươn lên chứ thời đại nào cũng có cái hay của nó.

Truyền thống là hồn cốt của dân tộc

- Trong một cuộc trò chuyện, anh chia sẻ rằng, họa sĩ thời nay không lo mất truyền thống mà họ phải học hỏi để hội nhập vào thế giới, để không tụt hậu, lạc lõng?

+ Tôi nghĩ, truyền thống không dễ mất vì nó là hồn cốt của mỗi dân tộc, mỗi con người. Tôi lo về văn hóa. Muốn phát huy cá tính nghệ thuật thì phải có văn hóa nền đậm chất Việt, những gì thuộc về thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội, sự tiếp nối từ gia đình và xã hội. Họa sĩ trẻ cần nhận ra điều đó sớm. Còn nếu cứ a dua đi theo thần tượng, theo trào lưu sẽ vô cùng khó khăn với các bạn. Phải tự học, trang bị kiến thức cho mình, biết đến nơi đến chốn thứ mình cần theo đuổi và biết rộng rãi ra những vấn đề lớn trong nghệ thuật, xã hội trong nước và thế giới. Các triển lãm hiện nay họa sĩ thường theo một lối tư duy, dù cách vẽ khác nhau, nhưng thiếu cái riêng trong đó. Vì thế, họa sĩ trẻ cần nhiều nhất là bản lĩnh nghề nghiệp.

Nghệ thuật bây giờ dễ tiếp cận hơn xưa, có cái lợi và cũng là cái khó của thế hệ trẻ là chỉ cần bấm nút, tất cả mọi thứ trên thế giới đều diễn ra qua màn hình phẳng, nếu không đủ nhận thức và bản lĩnh, tìm tòi của các bạn sẽ bị na ná, giông giống ở đâu đó. Phải tự học thôi, không có trường nào, thầy nào dạy cả. Già hay trẻ đều phải tự học không ngừng, tự học với một tư duy mới mẻ. Nghệ thuật trước hết phải mới mẻ, đẹp xấu chưa tính. Để đẹp và hay, đi vào đời sống lại cần chờ thời gian. Bởi, trong hội họa không có thần đồng đâu, phải có quá trình dài hơi để đánh giá nghệ thuật.

- Sống trong một gia đình cả hai thế hệ làm nghệ thuật, vợ anh là họa sĩ Đỗ Thúy Hằng, con gái là họa sĩ Đặng Thảo Ngọc và con trai là nhà thiết kế nổi tiếng của Công ty Lego Đan Mạch - Đặng Hoàng, đó là thuận lợi, hay ngược lại là khó khăn của mỗi thành viên?

+ Thực ra, sống trong một gia đình làm nghệ thuật có niềm vui, sự chia sẻ về nghề sẽ thoải mái và thuận tiện hơn, tôi được yên tâm làm việc. Chúng tôi ít tranh cãi mà chỉ đơn thuần việc ai người nấy làm. "Cái tôi" của mỗi người được tôn trọng. Trong gia đình không có sự cạnh tranh mà có những ảnh hưởng tích cực, mọi thành viên trong gia đình không vật chất hóa cái gì. Vật chất với chúng tôi chỉ là phương tiện.

- Anh có phải là thần tượng của cả nhà không?

+ (Cười...). Tôi không có nhu cầu đó. Mỗi thành viên đi con đường độc lập, mỗi người đều tự vận động, dù chúng tôi cùng nghề với nhau. Mỗi lần tôi ngồi hội đồng ở một cuộc thi mỹ thuật nào đó là Hằng và Ngọc không tham gia. Thiệt thòi đấy, nhưng phải chấp nhận thôi. Nếu có bản lĩnh, mỗi cá nhân sẽ vượt qua, bởi tôi nghĩ, nhân cách của một nghệ sĩ mới là quan trọng.

- Mới đây, con trai anh cho ra mắt một sản phẩm lego độc đáo, đó là chiếc Retro Radio 10334 của tập đoàn Lego Đan Mạch đóng dấu triện cái tên Đặng Hoàng (có dấu) đến từ Việt Nam trên bản đồ phát hành Lego thế giới. Điều này rất đáng ghi nhận, mang lại niềm tự hào cho người Việt, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Anh có thấy sự kế thừa, tiếp nối từ anh của nhà thiết kế Đặng Hoàng?

+ Tôi nghĩ đó là may mắn cho Hoàng và gia đình nhưng đó mới chỉ là sản phẩm đầu tay. Nếu con trai muốn khẳng định mình thì vẫn phải trau dồi, học hành, hiểu biết nhiều hơn nữa. Kiến thức quan trọng lắm, nếu sớm bằng lòng sẽ rất nguy hiểm. Mọi người gọi Hoàng là tài năng hơi quá nhưng Hoàng có khả năng tập trung và có rung cảm với đời sống, dám đi đến cùng con đường mình chọn để có một thành quả nào đó. Tôi nghĩ, vì con được gia đình ủng hộ niềm đam mê xếp lego từ bé và lớn lên trong một không khí gia đình mọi người đều làm nghệ thuật, yêu văn hóa Việt, tự trọng với nghề.

Dù không dạy con theo kiểu "con phải làm thế này, không nên làm thế kia", nhưng cách giáo dục của gia đình ngấm vào Hoàng từ nhỏ, có sự giao cảm, kết nối qua thế hệ. Tôi chỉ nói với con điều cốt lõi là làm gì cũng phải học đến nơi đến chốn. Hoàng giống hệt tôi ngày xưa, ít nói, ít kể, sống lặng lẽ và kiên định theo đuổi đam mê, có trách nhiệm với công việc của mình đến cùng.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện thú vị và thẳng thắn của anh.

* Ảnh: Đặng Giang.


Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom