Hồ sơ mật: Vì sao nữ điệp viên CIA khó thăng tiến? – Phần 2 (tiếp theo và hết)

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Việc bà Gina Haspel được phê chuẩn vào chức vụ Giám đốc có thể coi là một thành công trong hành trình đi tìm bình đẳng giới ở CIA, nhưng nó cũng để lại nhiều tranh cãi. Khi được Tổng thống Donald Trump đề cử vào vị trí này, rất nhiều ý kiến phản đối đã được đưa ra, chủ yếu viện dẫn vụ bê bối xảy ra ở một nhà tù mật ở Thái Lan, nơi được cho là đã giam giữ các phần tử khủng bố mà CIA bắt giữ.


Theo Washington Post, những cáo buộc dẫn nguồn từ một số tài liệu đã được giải mật sau này cho biết nhà tù Cat’s eye (Mắt mèo) tại Thái Lan do CIA vận hành được cho là nơi giam giữ các nghi phạm khủng bố sau khi xảy ra vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001. Nhà tù này bị cáo buộc đã sử dụng nhiều biện pháp tra tấn dã man để tra khảo phạm nhân trong thời gian bà Gina Haspel là người giám sát các hoạt động của nhà tù này. Tại đây, có nghi phạm bị “trấn nước” lên tới 83 lần. Một số nghi phạm thậm chí còn bị lực lượng quản lý nhà tù tra tấn đến mức gần như không còn “dấu hiệu của sự sống”. Khi các biện pháp dã man như thời trung cổ này bị vạch trần, Gina Haspel được cho là nằm trong nhóm các quan chức CIA đưa ra quyết định tiêu hủy các đoạn băng ghi hình các buổi thẩm vấn có lạm dụng thể xác một số nghi phạm.












Bước dịch chuyển chậm chạp


Theo các tài liệu của CIA, có rất ít thay đổi về quan điểm giới tính trong cơ quan tình báo trung ương này tính đến những năm của thập niên 1970. Một bản ghi năm 1971 của Cơ quan tuyển dụng CIA cho biết, cơ quan này nhận được rất ít chỉ đạo cụ thể từ cấp trên khuyến khích tuyển phụ nữ có chuyên môn. Bản ghi này cũng cho biết, Cơ quan chỉ đạo hoạt động điệp báo của CIA hoàn toàn không có một phụ nữ nào trong giai đoạn này. Bản ghi viết: “Rõ ràng là đã luôn tồn tại một trở lực ở Cơ quan chỉ đạo hoạt động điệp báo đối với việc tuyển phụ nữ. Họ cho rằng trên lý thuyết, dù là thực tế hay tưởng tượng, phụ nữ có những hạn chế so với nam giới trong khả năng hoạt động điệp báo”. Điều này đã được Virginia Hall, một nữ điệp viên nổi tiếng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, sau này phát triển thành cán bộ cấp cao hiếm hoi của CIA, xác nhận. Cuộc đời hoạt động của Virginia Hall là một câu chuyện dài và Báo Quân đội nhân dân Điện tử sẽ gửi đến bạn đọc trong những loạt bài tiếp theo.


Trong cuốn “Phụ nữ: Những bí mật về lịch sử phụ nữ ở CIA”, Liza Mundy phơi bày một bức tranh có phần u ám về sự bất bình đẳng giới ở CIA, trong đó có câu chuyện về Heidi August, một nhân viên CIA từng nhiều năm đảm nhiệm các nhiệm vụ khác nhau cả ở trong nước và nước ngoài, trong đó có những cụm tình báo như Libya, Campuchia, Ấn Độ và Iraq. Chứng tỏ được năng lực cá nhân, Heidi August đã vươn lên trở thành một cụm trưởng có năng lực trong điều hành, làm việc hiệu quả. Qua phỏng vấn giữa Heidi August và Liza Mundy, người ta thấy được rõ hơn một quan điểm chủ đạo của CIA trong suốt nhiều năm Chiến tranh Lạnh là “phụ nữ chỉ nên làm việc tại văn phòng và không nên trở thành điệp viên hoạt động trong các chiến dịch tình báo”.


Một nhân vật chủ chốt khác là Lisa Manfull Harper, con gái của một nhà ngoại giao và bản thân là một nhà ngôn ngữ học tài năng từng từ bỏ học bổng tiến sĩ tại Đại học Yale để gia nhập CIA. Tuy nhiên, ước mơ trở thành điệp viên hoạt động của Harper bị trì hoãn trong nhiều năm do sự phân biệt giới tính của các cấp quản lý và cấp trên trực tiếp. Cuối cùng, Lisa Manfull Harper chấp nhận trở thành nhân viên phân tích hồ sơ lưu trữ, nơi phần lớn nhân viên là nữ và họ thường bị những nam đồng nghiệp ở CIA chế giễu là “những quý bà phân tích”. Với nỗ lực của mình, cuối cùng Lisa Manfull Harper cũng trở thành nữ Cục trưởng Cục hoạt động (DO) đầu tiên của CIA. Thế nhưng, ngay cả khi đã đạt đến vị trí đó, Lisa Manfull Harper vẫn bị các đồng nghiệp phân biệt đối xử và cuối cùng phải nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe.


Không chỉ bị phân biệt đối xử, các nữ nhân viên và nữ điệp viên ở CIA thường xuyên phải chịu những hành vi không chuẩn mực như các hình thức quấy rối tình dục của đồng nghiệp và cấp trên, thậm chí được giao cả công việc phải vào vai những phụ nữ sexy. Ngoài ra, họ cũng bị công khai từ chối bố trí vào các vị trí và tham gia các khóa đào tạo cũng như đề bạt thăng tiến nếu họ có ý định kết hôn, tiến hành kết hôn hoặc mang thai. Trong những trường hợp đó, các đồng nghiệp nam khuyên họ nên rời CIA. Một nam đồng nghiệp thậm chí còn hét vào mặt Lisa Manfull Harper rằng nữ điệp viên này nên hoàn trả chi phí cho chương trình đào tạo ở Cục hoạt động khi cô thông báo về việc mình đính hôn. Tại một cuộc gặp với các nữ sĩ quan Cục hoạt động vào cuối thập niên 1980, Phó giám đốc hoạt động Dick Stolz đã yêu cầu các nữ điệp viên giơ tay lên nếu họ từng bị quấy rối tình dục. Kết quả là tất cả mọi người trong cuộc gặp đều giơ tay.



Virginia Hall bắt đầu sự nghiệp điệp báo của mình tại Pháp vào năm 1942 bằng việc thu thập thông tin tình báo cho lực lượng Đồng minh. Vì hoạt động điệp báo của mình, bà đã phải tìm cách trốn khỏi sự truy lùng của Đức Quốc xã bằng việc đi bộ vượt qua dãy Pyrénées để tới Tây Ban Nha trong khi phải di chuyển bằng một chiếc chân giả. Do một tai nạn khi đi săn, bà đã phải phẫu thuật cắt bỏ một chân tới đầu gối. Đó cũng là đặc điểm mà tờ rơi của Gestapo thời đó ghi rõ: “Cơ quan Gestapo đang truy lùng một phụ nữ to lớn, chân đi khập khiễng, là một trong những đặc vụ của Đồng minh nguy hiểm nhất ở Pháp… Phải tìm cho ra và tiêu diệt cô ta”.












 
Cuốn sách cũng kể lại chi tiết về một vụ kiện tập thể cho hàng chục phụ nữ của Cục hoạt động thực hiện trong thập niên 1990 về tình trạng phân biệt đối xử về giới tính. CIA cuối cùng đã dàn xếp ổn thỏa vụ kiện, nhưng điều tệ hại là vụ việc đã dẫn đến sự trả đũa trên diện rộng đối với những người đứng đơn khởi kiện. Liza Mundy nhận xét: “Về lý thuyết, những người phụ nữ ở Cục hoạt động đã thắng vụ kiện, nhưng trên thực tế thì không”. Trên thực tế, nữ giới ở CIA thường xuyên bị coi nhẹ và không có mấy tiếng nói. Những nhân vật có đóng góp đáng kể cho hoạt động chống khủng bố như Cindy Storer, Gina Bennett, Barbara Sude, Jennifer Matthews và Alfreda Bikowski từng phân tích dữ liệu và đưa ra nghi vấn về Osama bin Laden trước khi xảy ra vụ việc rất lâu, nhưng họ đã phải vật lộn trong nhiều năm để có thể thuyết phục các nhà hoạch định chính sách và các lãnh đạo CIA về mối đe dọa đặc biệt của al-Qaeda. Tuy nhiên, sau những gì xảy ra ngày 11-9-2001, CIA đã phải tự điều chỉnh chính mình khi nhìn nhận về vai trò của phụ nữ.


Muốn thăng tiến, phải hy sinh


Khi bình đẳng giới trên thế giới ngày càng được cải thiện, năm 1977, Phó giám đốc CIA E. Henry Knoche đã yêu cầu Ban tư vấn về giới thảo luận về “sức mạnh của phụ nữ” trong nội bộ CIA. Biên bản của ban tư vấn này thậm chí đề xuất cả cụm ngôn ngữ cụ thể nên được sử dụng khi thuyết phục cấp trên đề bạt các nữ điệp viên và nữ nhân viên như sau: “Anh muốn con gái mình làm nghề gì? Liệu anh có muốn con gái mình chỉ được nhận mức lương GS-7 hoặc GS-8 mà phần lớn phụ nữ trong cơ quan vẫn nhận cho đến ngày nay hay không?”.


Trên thực tế, phụ nữ đã làm việc rất tốt trong lĩnh vực tình báo. Năm 2011, 46 nhân viên được vinh danh trong hoạt động của CIA là phụ nữ và tỷ lệ nhân viên nữ nhận mức lương GS-13 đến GS-15 đã đạt 44%, tăng vượt bậc từ mức dưới 10% vào năm 1980. Tháng 8-2013, lần đầu tiên CIA có một Phó giám đốc là nữ. Tổng thống Obama đã bổ nhiệm Avril Haines, một nhân viên an ninh quốc gia giàu kinh nghiệm, làm Phó giám đốc CIA. Gần 5 năm sau, tháng 5-2018, cơ quan này có nữ Giám đốc đầu tiên: Gina Haspel.


Việc thăng tiến của phụ nữ lên các tầng nấc cao hơn chậm chạp hơn nhiều so với nam giới. Do vậy, để ổn định cuộc sống, một số phụ nữ đã chọn cách bỏ CIA do yêu cầu công việc quá cao và sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trong số những người lựa chọn từ bỏ CIA có cả Nada Barkos, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc săn lùng Abu Musab al-Zarqawi, một thủ lĩnh có giá trị của al-Qaeda. Sau khi rời CIA, Nada Barkos nhận định về căng thẳng giữa công việc và cuộc sống gia đình như sau: “Tôi nghĩ rằng cần phải có cách làm khác tốt hơn”. Đối với những phụ nữ cứng rắn hơn và thường bỏ qua việc ổn định cuộc sống cá nhân để chọn sự nghiệp thì con đường này cũng không hề bằng phẳng.


 
Năm 2012, sau khi phát hiện ra rằng chỉ 1/5 tổng số nhân lực được bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao năm 2011 là phụ nữ, Giám đốc CIA khi đó là David Petraeus đã thành lập một nhóm cố vấn và đề nghị cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright đứng đầu nhóm này nhằm tăng cường số lượng phụ nữ làm lãnh đạo. Báo cáo của Albright khuyến nghị CIA phải tìm cách hạn chế nạn quấy rối tình dục, đề nghị các nhà quản lý đề bạt thăng chức cho cấp dưới là phụ nữ có năng lực và thúc đẩy vai trò cố vấn của họ.


Những thông tin giải mật ở CIA, đặc biệt là lời chứng thực của 4 nữ đặc vụ lão thành ở cơ quan tình báo đình đám nhất hành tinh này, đã phản ánh một bức tranh quen thuộc đối với những phụ nữ tham vọng ở đây. Đó là việc phải cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống gia đình. Susan, một đặc vụ người Mỹ gốc Iran, có nhiệm vụ đào tạo ngôn ngữ cho CIA, cho biết: “Một khi bạn trở thành một điệp viên… tình mẫu tử dường như trở thành thứ yếu”. Susan cũng cho biết, lần đầu nhận nhiệm vụ hoạt động ở nước ngoài, xa cách và căng thẳng gia đình suýt nữa đã đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân của mình.


Cũng như những nam đồng nghiệp, để có thể trở thành một quan chức cấp cao của CIA, các nữ đặc vụ phải hy sinh nhiều điều. Tuy nhiên, nữ giới phải hy sinh nhiều hơn và thậm chí theo lời của Susan thì những hy sinh đó “nhuốm màu tội lỗi” như thế này: Bỏ chồng, bỏ con và không thể làm công việc nội trợ hằng ngày. Ngay cả khi bình đẳng giới đang có nhiều cải thiện như hiện nay, để phụ nữ có thể thăng tiến nói chung và trong lĩnh vực tình báo nói riêng, họ phải hy sinh rất nhiều và vẫn sẽ còn nhiều trở ngại.


HỮU DƯƠNG (Theo CIA, The New York Times, The Washington Post, Mother Jones)


* Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom