Hồ sơ mật: Vì sao nữ điệp viên CIA khó thăng tiến? – Phần 1

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Các nhà phân tích chính sách đối ngoại từ lâu đã lập luận rằng an ninh của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh quân sự và đường lối ngoại giao khéo léo mà còn phụ thuộc vào một cộng đồng tình báo có chuyên môn cao và được vận hành tốt. CIA (Cơ quan tình báo trung ương Mỹ) là một cơ quan tình báo nổi tiếng thế giới không chỉ bởi những câu chuyện nhuốm màu “huyền thoại” quanh những hoạt động tình báo mà còn cả những bê bối của nó, trong đó có những câu chuyện về quấy rối tình dục và phân biệt giới tính.

Thế giới của đàn ông


Tháng 9-1947, Tổng thống Mỹ Harry S. Truman thành lập CIA, nhưng liên tiếp trong vài thập kỷ sau đó, cơ quan này chủ yếu chỉ tuyển dụng nam giới da trắng từng học qua các trường đại học trong nhóm Ivy (Ivy League: Nhóm 8 trường đại học hàng đầu Mỹ là Đại học Brown, Đại học Columbia, Đại học Cornell, Đại học Dartmouth, Đại học Harvard, Đại học Pennsylvania, Đại học Princeton và Đại học Yale). Phải đến những năm của thập niên 1970 và 1980, cơ quan này mới mở rộng tuyển dụng phụ nữ thông minh, can đảm và có gan làm gián điệp.


 
Năm 2023, cuốn sách “The Sisterhood: The Secret History of Women at the CIA” (tạm dịch: “Phụ nữ: Những bí mật lịch sử về phụ nữ ở CIA”) do nhà báo, nhà văn phi hư cấu Liza Mundy đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng tình báo Mỹ nói riêng và lĩnh vực bình đẳng giới nói chung. Thông qua những cuộc phỏng vấn với các đặc vụ người thật việc thật, gồm cả các nam và nữ điệp viên, cuốn sách đã vẽ lên một phần bức tranh quan trọng trong lịch sử CIA, cho thấy phụ nữ ở CIA đã phải vật lộn, vượt qua nhiều khó khăn mới có thể thăng tiến, nhận mức lương cao hơn, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng hơn và nhận được sự tôn trọng từ nam giới trong một tổ chức có lịch sử lâu đời bị “thống trị” bởi nam giới này.


Cũng không phải đến bây giờ CIA mới thừa nhận việc “đánh giá thấp” phụ nữ trong các hoạt động của mình. Cách đây hơn một thập kỷ, năm 2013, CIA đã tổ chức một cuộc trao đổi cởi mở về vai trò và khó khăn của phụ nữ trong cơ quan. Bốn nữ điệp viên CIA lão thành với hàng chục năm kinh nghiệm hoạt động tình báo trải dài trong 4 thập kỷ đã cởi mở chia sẻ về vai trò của phụ nữ trong hoạt động của cơ quan tình báo này.


Vì lý do an ninh nên họ của 4 đặc vụ CIA nói trên đã được cắt bỏ. Được ghi âm và chia sẻ trong nội bộ CIA như một phần trong giáo trình đào tạo, cuộc trao đổi đã cho thấy thái độ coi thường của nam giới đối với nữ giới ở CIA, đặc biệt là trong những năm đầu tiên mới hình thành, là không có gì đáng ngạc nhiên, bởi tình báo khi đó quả thật là một “thế giới điên rồ” của đàn ông. Phần lớn nội dung của cuộc trao đổi nói trên cũng nhấn mạnh một thực tế: Phụ nữ thực sự là một “tài sản” quý trong cộng đồng tình báo, không phải theo cái cách mà ai cũng thường nghĩ đến là “mỹ nhân kế”.


Hoạt động hiệu quả


Gia nhập CIA cùng chồng vào năm 1979 với vai trò ban đầu là “vợ hợp đồng”, nghĩa là đóng vai trò một người vợ theo chồng là một điệp viên CIA ra nước ngoài công tác và có nhiệm vụ hỗ trợ chồng như một thư ký và chỉ nhận được một mức chi trả khá thấp, Meredith từng sống và làm việc hơn 25 năm ở các khu vực Trung Á, Cận Đông, châu Phi và châu Âu trước khi nghỉ hưu vào năm 2007 với tư cách là một trong những điệp viên hoạt động cao cấp của CIA.


Khi nói về công tác phát hiện đối tượng gián điệp, Phó cụm trưởng Cụm tình báo châu Âu của CIA Meredith đã chia sẻ: “Phụ nữ rất nhạy cảm và nhận ra các đối tượng gián điệp chỉ cần thông qua đôi tất họ đeo”. Bà khẳng định khi đã “lên đồ” để hòa lẫn vào đám đông, những điệp viên của tất cả các bên thường rất để ý tới giầy và tất của đối tượng,“nhưng sẽ không ai có thể phát hiện ra chồng tôi nếu chỉ nhìn vào lớp vỏ bên ngoài”.


 
Về phần mình Patricia là nữ điệp viên bắt đầu làm việc cho CIA từ năm 1973 và từng nhận Huy chương thành tích đặc biệt của CIA khi nghỉ hưu vào năm 2004. Patricia cho biết: “Phụ nữ làm tốt hơn nhiều so với nam giới trong việc phát hiện đối tượng theo dõi mình khi đang đi bộ. Tôi luôn cho rằng phụ nữ rất nhạy cảm đối với những nhân vật xuất hiện trong một không gian gần với mình để chủ động có biện pháp bảo vệ”.


Còn Carla là điệp viên từng làm việc cho CIA từ năm 1965 và giữ chức Phó cụm trưởng Cụm tình báo châu Phi khi nghỉ hưu. Theo bà Carla, đã có thời điểm các lãnh đạo cấp cao của CIA cảnh báo rằng phụ nữ không hiệu quả trong hoạt động gián điệp, nhất là trong thực hiện “tuyển” nguồn tin và thu thập thông tin tình báo từ nước ngoài. Để chứng minh rằng lãnh đạo CIA đã sai lầm khi đưa ra luận điểm này, bà Carla đã kể lại một phi vụ thành công như sau: “Trên thực tế, tôi không cần phải tìm mọi cách để khai thác thông tin. Tôi chỉ cần đóng vai “ngoan, hiền, ngu ngơ” và rồi đối tượng sẽ nói với tôi rằng: “Anh rất thích nói chuyện với em vì trông em hơi ngu ngơ”. Còn tôi thì cứ tiếp tục ngồi đó và phác một cử chỉ “ngu ngơ, vô tội”. Phi vụ kết thúc bởi anh ta sẽ kể toàn bộ kế hoạch đánh bom đại sứ quán […] (địa điểm cụ thể đã được lược bỏ vì lý do an ninh) và chúng tôi đã bắt sống đối tượng cùng những kẻ đồng phạm ngay khi họ vượt qua biên giới. Anh ta đã kể với tôi mọi thứ và tôi thu thập được hằng hà sa số thông tin tình báo từ nguồn tin đó vì một lý do “trông tôi có vẻ hơi ngu ngơ””.


Thiệt thòi về thu nhập


Khảo sát nội bộ cho thấy mặc dù phụ nữ chiếm 40% số lượng nhân viên cơ quan CIA vào thời điểm năm 1953, nhưng chỉ 1/5 số phụ nữ nói trên có mức lương GS-7, mức trung bình trong thang bậc lương của chính phủ trong bậc lương của chính phủ từ GS-1 đến GS-18. Trong khi đó, 70% nhân viên nam giới thuộc CIA có lương cao hơn mức G-7 và 10% trong số họ được hưởng mức lương GS-14, mức lương mà không phụ nữ nào đạt được vào thời điểm đó. Điều đó tiếp tục diễn ra cho đến nay bất chấp một thực tế là phụ nữ đã được chứng minh là đặc biệt cần thiết đối với các hoạt động tình báo của Mỹ ở cả vị trí điệp viên hoạt động cấp cao và chuyên gia phân tích dữ liệu.


Trong khi nam giới chiếm phần lớn các vị trí được trả lương cao hơn thì phụ nữ lại thực hiện tới 60% công việc về phân tích dữ liệu của CIA. Linda McCarthy, người viết sử của CIA và từng kinh qua vị trí của nhân viên phân tích dữ liệu của cơ quan này, cho rằng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên: “Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phụ nữ là người làm việc với các con số. Tương tự, họ cũng là những người thực hiện phần lớn công việc liên quan đến bản đồ và mã thám. Người ta đặc biệt dành cho phụ nữ những công việc đó bởi một lý do đơn giản là phụ nữ làm tốt hơn”. Linda McCarthy cũng cho biết vào thời điểm đó, người ta cho rằng phụ nữ có năng khiếu về số liệu thống kê, địa lý và mã thám là do bản năng làm mẹ. “Người ta cho rằng phụ nữ kiên nhẫn nuôi dạy con cái và do đó họ cũng kiên nhẫn hơn trong việc vẽ bản đồ thủ công”.


 
Thế nhưng, thiên chức làm mẹ nói chung lại không được coi là một điểm cộng đối với phụ nữ. Những nhân viên cấp cao là nam giới ở CIA cho rằng phụ nữ ít được thăng tiến ở CIA là do “cưới xin và mang bầu ở những thời điểm cần thiết phải tiến hành công việc”. Richard Helms, Giám đốc thứ 6 của CIA, lý giải rằng lãnh đạo cấp cao đều tính toán khá giản đơn khi đứng trước việc xem xét cất nhắc phụ nữ hay không.


Ông nói: “Khi đến thời điểm họ sắp phát triển tới mức lương GS-12 thì họ lại quyết định kết hôn, chuyển việc đi nơi khác, hoặc làm điều gì đó mà không ai có thể kiểm soát được và không còn có ý định thăng tiến nữa”. Một nam đặc vụ trong khảo sát này thì nói thẳng: “Trách nhiệm kinh tế của phụ nữ không lớn bằng nam giới. Phụ nữ không nên được tuyển dụng vào những vị trí được trả lương cao hơn và tước đi những cơ hội này của nam giới. Phụ nữ hoàn toàn không nên được tuyển dụng khi nam giới đang cần việc làm”.


Các điệp viên dày dạn kinh nghiệm thì kết luận rằng nếu CIA nghiêm túc trong việc tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có, thì cơ quan này phải cất nhắc các nhân viên làm việc tại văn phòng có kinh nghiệm vào các vị trí cao hơn và những nhân viên này thường có xu hướng là phụ nữ. Đồng thời, CIA cần phải cắt giảm các vị trí có ưu tiên không chính đáng đối với các nam điệp viên và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng quản lý trong vấn đề “tuyển”, tư vấn và đề bạt các nữ điệp viên.


(còn nữa)


HỮU DƯƠNG (Theo CIA, The New York Times, The Washington Post, Mother Jones)


* Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom