Hiệp định Geneva: Dấu mốc lịch sử trong sự nghiệp Cách mạng Việt Nam - Bài 3: Hiệp định Geneva và triết lý ngoại giao cây tre Việt Nam (tiếp theo và h

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Những bài học trường tồn

70 năm trôi qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi nhưng đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva luôn là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học còn nguyên giá trị về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.


Bài học lớn nhất nhìn từ Hiệp định Geneva năm 1954 là tinh thần độc lập, tự chủ, kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh Hội nghị Geneva được tổ chức theo sáng kiến của các nước và chịu sự tác động, can dự của các nước lớn, đoàn đàm phán của Việt Nam vẫn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, thể hiện trong việc xác định và bám sát các mục tiêu, nguyên tắc đàm phán dù linh hoạt về sách lược.


Thực tế đã chứng minh, mặc dù các cường quốc có khả năng chi phối các vấn đề quốc tế nhưng các nước nhỏ hơn thông qua việc hoạch định, triển khai chính sách đối ngoại đúng đắn có thể tác động trở lại cục diện. Tại Hội nghị Geneva, nhìn chung, mỗi bên tham gia đều có cái tối thiểu cần đạt được. Kết quả cuối cùng được thể hiện trong Hiệp định Geneva so với giải pháp 8 điểm mà ban đầu Việt Nam đưa ra có khoảng cách đáng kể nhưng đây là những khoảng cách và hạn chế không thể tránh khỏi trong thời điểm lịch sử cụ thể. Mỗi lần nhân nhượng, thỏa hiệp Đảng ta đều cân nhắc kỹ, luôn thực hiện phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", kiên định về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, luôn giữ đúng mục tiêu.


 
Cùng với đó, có thể nói, thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Geneva dựa trên nền tảng sức mạnh đoàn kết dân tộc và sự phối hợp hiệu quả của nhiều mặt trận. Trong đó, cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta được bạn bè quốc tế và các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và nhân dân trên thế giới ủng hộ, cổ vũ. Hiệp định Geneva được ký kết thể hiện sự ủng hộ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp dành cho nhân dân Việt Nam.


Bên cạnh đó còn là bài học về coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, "biết mình", "biết người", "biết thời", "biết thế" để từ đó "biết tiến", "biết thoái", "biết cương", "biết nhu". Đây là bài học sâu sắc, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay đang trải qua những biến động lớn, phức tạp và khó lường, càng phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo tình hình thế giới, nhất là chuyển động của các xu hướng lớn, điều chỉnh chiến lược, chính sách của các đối tác, trên cơ sở đó chủ động có đối sách phù hợp với từng đối tác, từng vấn đề.


 
Bài học về sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cùng với quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, Đảng ta đã chủ trương dùng biện pháp đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến tranh, từ đó mở hướng đi tới một cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh ở Đông Dương. Dù có thể có góc nhìn khác nhau, song không thể phủ nhận Hội nghị Geneva đã để lại một bài học mang tính thời đại về giải quyết bất đồng và xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay đang diễn ra nhiều xung đột phức tạp.


Quan trọng hơn cả, bài học bao trùm nhất từ thành công của Hội nghị Geneva năm 1954 chính là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng. Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc...


Những bài học nổi bật nói trên cùng nhiều bài học quý báu khác từ Hiệp định Geneva đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris 1973 cũng như trong triển khai công tác đối ngoại hiện nay. Nắm vững những bài học quý báu của lịch sử chính là điểm tựa vững chắc cho hiện tại và tương lai.


Sử dụng bản sắc dân tộc để thúc đẩy vị thế toàn cầu


Kế thừa và phát huy tinh thần Hiệp định Geneva và những bài học từ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả công cuộc Đổi mới, nhằm thực hiện thắng lợi tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.


Trong gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.


Thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn này, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, có quan hệ Đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; có mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước. Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế lớn như Liên hợp quốc, ASEAN, WTO, APEC, ASEM… đã và đang đảm nhiệm trọng trách quốc tế, đã tham gia và đang đàm phán 19 Hiệp định Thương mại tự do, tạo nên mạng lưới liên kết kinh tế rộng mở, với khoảng 60 nền kinh tế trên thế giới.


 
70 năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam năm 1954 được ký kết, nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng tầm trở thành "ngoại giao cây tre" với "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, bản lĩnh, kiên định trước mọi thử thách, khó khăn".


"Ngoại giao cây tre" Việt Nam đã được lãnh đạo các đảng chính trị, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Tiến sĩ Abed Akbari, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Tehran (Iran) đã khẳng định: "Việt Nam sử dụng bản sắc dân tộc để thúc đẩy vị thế toàn cầu, tiến bộ và phát triển bền vững, tạo dựng ảnh hưởng trong khu vực và ngày càng tham gia tích cực trong các mối quan hệ toàn cầu. Có thể ví sách lược ngoại giao theo trường phái "ngoại giao cây tre" là một trong những nguồn "sức mạnh mềm" quốc gia, và việc phát huy có hiệu quả lợi thế của nguồn "sức mạnh mềm" này tạo cơ hội để Việt Nam ngày càng phát triển và thịnh vượng, nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín trên trường quốc tế".



"Trường phái ngoại giao mang "bản sắc cây tre Việt Nam" của Việt Nam cung cấp mô hình tốt hơn cho các quốc gia trên thế giới, một mô hình vừa không gây ra tổn hại đến sức mạnh và nguyên tắc của ngoại giao, vừa có tính linh hoạt và tiếp tục theo đuổi hòa bình. Các nhà ngoại giao và những cường quốc trên thế giới phải học cách tiếp cận độc đáo của Việt Nam để có được nhiều bài học áp dụng cho các tình huống cụ thể để có một tương lai hòa bình hơn", ông Amiad Horowitz, Ủy viên Ban Quốc tế, Ủy viên Ban hòa bình và Đoàn kết Đảng Cộng sản Mỹ đánh giá.















LINH OANH


*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom