Tình cảnh của những cựu binh Belarus chiến đấu cho Ukraine
Tình cảnh của những cựu binh Belarus chiến đấu cho Ukraine
Sau thời gian chiến đấu cho quân đội Ukraine, nhiều cựu binh Belarus đối mặt cuộc sống bấp bênh và không được hỗ trợ ở đất nước họ từng bảo vệ.
vnexpress.net
Sau thời gian chiến đấu cho quân đội Ukraine, nhiều cựu binh Belarus đối mặt cuộc sống bấp bênh và không được hỗ trợ ở đất nước họ từng bảo vệ.
Sau hai năm gia nhập quân đội Ukraine và chiến đấu chống lại lực lượng Nga trên nhiều mặt trận, Ivan Tamashevich hồi tháng ba quyết định giải ngũ ở tuổi 39 vì lý do sức khỏe.
Bệnh viêm khớp vai thường xuyên khiến anh đau đớn. Tamashevich cảm thấy với tình trạng như vậy, việc tiếp tục tham chiến là vô trách nhiệm, vì nó có thể khiến đồng đội gặp nguy hiểm.
Ivan Tamashevich, cựu quân nhân Belarus từng chiến đấu cho lực lượng Ukraine, tại một quán cà phê ở Kiev. Ảnh: Al Jazeera
Trở về với cuộc sống dân sự không phải quyết định dễ dàng. Là một người mang quốc tịch Belarus, Tamashevich không được phép làm việc, thuê căn hộ hay mở tài khoản ngân hàng ở Ukraine.
Theo luật Ukraine hiện hành, các binh sĩ nước ngoài không có giấy phép cư trú phải rời đi 7 ngày sau khi kết thúc hợp đồng quân sự. Nhưng trở về quê nhà Belarus cũng không phải là một lựa chọn của Tamashevich.
Hai năm trước, anh tới Ukraine chiến đấu vì phản đối Tổng thống Alexandr Lukashenko, người đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ Belarus để mở chiến dịch vào Ukraine. Giờ đây, nếu trở về quê nhà, Tamashevich có nguy cơ đối mặt án tù.
Tia hy vọng le lói cho Tamashevich là việc quốc hội Ukraine đã thông qua lần đọc đầu tiên một dự luật cho phép người Belarus và Nga ủng hộ Ukraine được nộp đơn xin quốc tịch. Họ sẽ nhận được giấy phép cư trú, song chưa rõ khi nào quy định mới có hiệu lực.
Để ở lại Ukraine, Tamashevich đã nộp đơn xin tị nạn cách đây 8 tháng, nhưng đến nay vẫn phải chờ đợi quyết định từ giới chức ở đất nước mà anh đã cầm súng để bảo vệ.
"Tôi đã nói chuyện với các sĩ quan Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), những người làm việc trực tiếp với các binh sĩ người Belarus, nhưng đây là nhánh hoàn toàn riêng biệt trong chính quyền", Tamashevich cho hay. "Nếu cố tìm cách tác động tới trường hợp của tôi, họ sẽ bị coi là tham nhũng".
Nhưng Tamashevich không phàn nàn. Anh đã cố gắng tiết kiệm một số tiền để duy trì cuộc sống cho đến khi được phê chuẩn đơn xin tị nạn, đồng thời tập trung vào hoạt động tình nguyện. Nếu sức khỏe được cải thiện, anh có thể đăng ký trở lại mặt trận.
Không rõ bao nhiêu người Belarus đang chiến đấu ở Ukraine, nhưng theo các thống kê không chính thức, con số có thể lên tới 1.000. Theo Kiev Independent, hơn 40 người Belarus đã thiệt mạng trong chiến đấu ở Ukraine.
Hiệp hội Cựu chiến binh Belarus trong Xung đột Ukraine, tổ chức do nhà hoạt động Belarus Pavel Maryeuski thành lập, trụ sở tại Warsaw, cho biết hầu hết những binh sĩ nước này từng chiến đấu cho Ukraine hiện lưu trú tại Ba Lan, quốc gia đã luôn đón nhận những người Belarus rời khỏi quê hương trong nhiều thập kỷ qua.
Maryeuski, ngoài 30 tuổi, cũng là một cựu quân nhân như vậy.
Sau 6 tháng phục vụ quân đội Ukraine, anh xuất ngũ năm 2022 và muốn ở lại Kiev với tư cách tình nguyện viên. Nhưng việc này khó khăn hơn anh tưởng.
"Tôi đến cơ quan di trú, nhưng họ đuổi tôi ra ngoài vì tôi là người Belarus. Đối với họ, tôi đến từ một quốc gia đối địch. Việc tôi chiến đấu vì Ukraine chẳng giúp ích được gì", Maryeuski nói.
Anh chuyển đến Ba Lan và sớm nhận ra rằng cuộc sống của một cựu binh Belarus lưu vong không phải màu hồng. Nhiều người đã phải vật lộn để hợp pháp hóa việc cư trú, tìm việc hoặc quay trở lại cuộc sống bình thường ở xa chiến tuyến Ukraine.
"Người lính có thể trở về từ chiến trường, nhưng xung đột không dễ dàng rời bỏ họ như vậy. Tôi đã tự mình đối mặt với nó. Ban đầu, âm thanh của máy bay và xe điện ở Warsaw cũng khiến tôi sợ hãi", anh nói.
"Một nhà tâm lý học đã đồng ý hỗ trợ tôi miễn phí và tôi sẽ luôn biết ơn điều đó. Nhưng những người không nhận được hỗ trợ về mặt tâm lý sẽ phải tự đối mặt với vấn đề của mình. Giải pháp họ tìm đến thường là rượu hoặc ma túy", anh cho hay.
Maryeuski, cùng với các cựu quân nhân từng là đồng đội, đã thành lập một quỹ để giải quyết những thách thức chung mà họ phải đối mặt. Các buổi trò chuyện nhóm họ tổ chức thu hút tới 100 thành viên tham gia hỗ trợ nhau.
Maxim, 25 tuổi, là một thành viên như vậy.
Anh vượt biên sang Ukraine năm 2021 sau khi tham gia biểu tình chống chính phủ ở Belarus. Vì không có hộ chiếu, Maxim không thể thường xuyên lưu trú ở Ukraine.
Ba ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi đầu năm 2022, anh gia nhập một đơn vị toàn người Belarus chiến đấu cho Ukraine. Đến tháng 10/2022, Maxim xin xuất ngũ sau khi mất đi nhiều đồng đội trong giao tranh.
Nhưng không có giấy tờ, anh không thể ở lại Ukraine, buộc Maxim phải đến Ba Lan xin tị nạn.
Ban đầu, anh nhờ bạn bè vì không thể làm việc hợp pháp trong khi chờ quyết định tị nạn. Khoản trợ cấp mà anh nhận được từ chính phủ Ba Lan không đủ để trang trải chi phí.
Anh được cấp quy chế tị nạn sau 6 tháng, nhưng tin rằng các cựu binh Belarus vẫn cần nhiều hỗ trợ hơn nữa.
Một năm sau khi thành lập Hiệp hội Cựu chiến binh Belarus trong Xung đột Ukraine, Maryeuski cảm thấy "bị bỏ rơi". Dường như không ai quan tâm đến số phận của anh và các đồng đội. Suốt 12 tháng qua, họ chưa nhận được khoản quyên góp nào.
"Chúng tôi đã nộp đơn xin tài trợ tới một số tổ chức nhưng không thành công. Như tôi được biết, các tổ chức độc lập của châu Âu và Belarus không muốn tài trợ cho chúng tôi vì họ cho rằng chúng tôi là những chiến binh tham gia vào cuộc xung đột", Maryeuski nói.
"Một số người vẫn còn rất trẻ, thậm chí chỉ 18, 19 tuổi. Họ còn cả cuộc đời phía trước. Chúng ta phải giúp đỡ họ", anh nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera, AFP, Reuters)