Trích từ nguồn:
https://www.voatiengviet.com/a/giua...trinh-sieu-thanh-cho-philippines/7582211.html
https://www.voatiengviet.com/a/giua...trinh-sieu-thanh-cho-philippines/7582211.html
24/04/2024
Phi đạn hành trình siêu thanh Brahmos của Ấn Độ.
Ấn Độ đã bắt đầu chuyển giao phi đạn hành trình siêu thanh cho Philippines khi hai nước thắt chặt quan hệ quốc phòng và chiến lược trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc về tranh chấp hàng hải ở Biển Đông.
Phi đạn BrahMos đang được Philippines mua theo hợp đồng trị giá 375 triệu đô la được ký vào năm 2022.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói hôm 19/4 tại một cuộc mít tinh bầu cử: “Bây giờ chúng ta cũng đang xuất khẩu phi đạn BrahMos. Lô phi đạn đầu tiên này sẽ đến Philippines vào ngày hôm nay”.
Ấn Độ và Philippines đã tăng cường hợp tác quốc phòng khi mối lo ngại về một Trung Quốc ngày càng quyết đoán ngày càng sâu sắc ở cả hai nước.
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc đã leo thang trong năm qua khi Bắc Kinh viện dẫn các quyền lịch sử để đưa ra yêu sách đối với các khu vực bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Trong khi đó, những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng đối đầu quân sự kéo dài 4 năm của New Delhi với Bắc Kinh dọc biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya không có nhiều tiến triển.
Tại New Delhi, các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ muốn tham gia vào việc chống lại Trung Quốc ở Biển Đông mạnh mẽ hơn khi lo ngại gia tăng về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.
“Bản thân việc chuyển giao phi đạn BrahMos cho Philippines không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Nhưng ý tưởng là chúng ta là một phần của liên minh rộng lớn hơn gồm các quốc gia, trong đó có Mỹ, đang cố gắng xây dựng sức mạnh và củng cố an ninh cho các quốc gia nhỏ hơn như Philippines. Đó là cái mà chúng tôi gọi là chiến lược làm việc theo mạng lưới”, theo ông Sreeram Chaulia, khoa trưởng Trường Quan hệ Quốc tế Jindal.
Căng thẳng giữa Philippines và Bắc Kinh đã gia tăng sau những cuộc đối đầu gần đây giữa lực lượng tuần duyên và các tàu khác của hai nước.
Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, triển khai tàu tuần duyên để tuần tra những gì họ cho là vùng biển của mình. Ngoài Philippines, Bắc Kinh cũng có tranh chấp hàng hải với các nước bao gồm Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Các phi đạn do Ấn Độ cung cấp được sản xuất dưới một liên doanh với Nga. Chúng là hệ thống chống hạm đặt trên bờ với tầm bắn 290 km. Theo thỏa thuận, Ấn Độ sẽ cung cấp ba phiên bản của hệ thống phi đạn, theo truyền thông trong nước ở New Delhi.
Phụ tá tổng giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, Jonathan Malaya, nói với các phóng viên ở Manila rằng phi đạn sẽ được Thủy quân lục chiến Philippines triển khai.
Ông Don McLain Gill, nhà phân tích địa chính trị và giảng viên tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học De La Salle, Manila, trong các bình luận được gửi qua email nói với VOA: “Điều này bổ sung thêm một lớp răn đe quan trọng và thực tế cho Philippines trong bối cảnh nguồn lực quân sự hạn chế của nước này trước Trung Quốc”. Ông cho biết các phi đạn này sẽ “tăng cường khả năng phòng thủ ven biển để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền hiệu quả hơn ở Biển Tây Philippines vào thời điểm Trung Quốc không ngừng theo đuổi tham vọng bành trướng đi ngược lại luật pháp quốc tế”.
Các nhà phân tích cho rằng việc xây dựng hợp tác quốc phòng với Philippines cũng là tín hiệu cho thấy New Delhi hiện đang vượt ra ngoài Ấn Độ Dương để góp phần duy trì sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong chuyến thăm Manila vào tháng trước, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã nhắc lại “sự ủng hộ của Ấn Độ đối với Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia của nước này”.
Khẳng định rằng cả hai nước đều có “lợi ích rất sâu sắc” trong việc đảm bảo một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và toàn diện, người đồng cấp Philippines, Enrique Manalo, nói rằng “chính tại khu vực này và chính trong bối cảnh này, chúng tôi đang thường xuyên thảo luận sâu rộng về hợp tác quốc phòng, hợp tác an ninh.”
Một tàu tuần duyên Ấn Độ đã đến thăm Philippines trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ấn Độ. Hai nước cũng dự kiến sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận hải quân chung.
“Ấn Độ cũng là đối tác an ninh thân thiết của các đối tác chiến lược quan trọng của Manila, như Mỹ, Nhật Bản và Australia. Điều này khiến việc Philippines tăng cường quan hệ với Ấn Độ càng trở nên thiết thực hơn”, ông Don McLain Gill chỉ ra.
Ấn Độ trong nhiều năm đã do dự về việc xuất khẩu phi đạn BrahMos vì tin rằng hợp tác quốc phòng tiên tiến với các nước như Philippines mà Trung Quốc có tranh chấp sẽ khiến Bắc Kinh tức giận, nhưng các nhà phân tích cho rằng New Delhi đã đảo ngược hướng đi. Ấn Độ cũng đang dần xây dựng quan hệ quân sự với Việt Nam, quốc gia cũng đang có tranh chấp hàng hải với Trung Quốc.
Ông Chaulia nói: “Khi tranh chấp của chúng tôi với Trung Quốc không được giải quyết, chính phủ Ấn Độ đã thay đổi quan điểm rõ ràng và họ đã quyết định hỗ trợ nhu cầu an ninh của các quốc gia như Philippines một cách rất cụ thể”. “Theo quan điểm của chúng tôi, điều này giúp gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc rằng họ không thể trang bị cho đối thủ của chúng tôi như Pakistan những vũ khí và công nghệ quốc phòng tiên tiến mà mong rằng chúng tôi sẽ không đáp lại”.
Việc chuyển giao phi đạn cho Philippines đánh dấu lần xuất khẩu hệ thống phi đạn đầu tiên của Ấn Độ. Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu phần lớn vũ khí của chính mình, là nước xuất khẩu thiết bị quân sự ở mức độ nhẹ, nhưng đang cố gắng xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng.
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: