Giới siêu giàu chưa nguôi tham vọng khám phá biển sâu sau thảm kịch Titan

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Đáy đại dương ngoài khơi bờ biển Sebastian, Florida, tràn ngập những kho tàng bí ẩn. Trong ba thế kỷ qua, những đồng tiền vàng của hạm đội chở kho báu Tây Ban Nha bị đắm vẫn luôn là đề tài khơi gợi hiếu kỳ.

Neo tại một khu công nghiệp cách đó 30 km là những con tàu có khả năng tiếp cận kho báu chìm sâu. Triton Submarines, thành lập vào năm 2008, là một trong những nhà sản xuất tàu lặn cá nhân hàng đầu, phục vụ nhóm khách hàng có túi tiền dồi dào với khát vọng khám phá thế giới dưới đáy biển.

Patrick Lahey, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty, là một trong những người vận hành tàu lặn giàu kinh nghiệm nhất thế giới. Ông từng lái một chiếc tàu lặn đến điểm sâu nhất đại dương, cách mặt nước gần 11 km ở tây Thái Bình Dương. Nhưng khoảng một năm trước, công việc ông theo đuổi đã gặp thách thức lớn.

Ngày 18/6/2023, Titan, tàu lặn do công ty OceanGate, trụ sở tại Seattle, chế tạo, đã bị nghiền nát trong chuyến đi đến xác tàu Titanic, khiến cả 5 người trên tàu thiệt mạng. Thảm kịch tạo ra một cú sốc đối với ngành công nghiệp phát triển tàu lặn cá nhân.

Tuần duyên Mỹ, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ và Ủy ban An toàn Giao thông Canada đã mở các cuộc điều tra về OceanGate nhằm xác định xem điều gì đã xảy ra và ngăn chặn sự cố xảy ra lần nữa. Tháng 7/2023, OceanGate đình chỉ hoạt động.

Triton và đối thủ cạnh tranh chính trong ngành, U-Boat Worx có trụ sở tại Hà Lan, phải nỗ lực làm rõ sự khác biệt giữa họ với tàu của OceanGate. Cả Triton và U-Boat Worx được các hiệp hội chuyên môn hàng hải kiểm nghiệm để có các chứng nhận an toàn. Trong khi đó, Titan không được kiểm nghiệm và được chế tạo bằng các thiết kế và vật liệu thử nghiệm, như sợi carbon dễ bị nứt sau khi lặn nhiều lần.

OceanGate từng bày tỏ lo ngại quá trình đánh giá có thể làm chậm tiến độ phát triển và trở thành rào cản cho sự sáng tạo của một dự án thử nghiệm như Titan. Một phóng viên CBS từng lên tàu Titan một năm trước khi thảm họa xảy ra cho biết thỏa thuận mà họ ký trước chuyến tham quan nêu rõ "con tàu thử nghiệm chưa được phê duyệt hoặc chứng nhận bởi bất kỳ cơ quan nào".

Do đó, Lahey và các đồng nghiệp của ông nhìn nhận vụ tai nạn OceanGate không phải dấu hiệu cho thấy tàu lặn là phương thức vận chuyển nguy hiểm. Họ cho biết thực tế, những con tàu loại này đặc biệt an toàn nhờ quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về thiết kế và vật liệu.

Lahey vẫn nhớ ông đã bị cười nhạo khi bắt đầu bán tàu lặn cá nhân tại các triển lãm tàu thuyền vào đầu những năm 2000. Lúc bấy giờ, hiếm ai có hoặc thèm muốn sở hữu chúng. Ngày nay, tàu lặn là phụ kiện phổ biến cho những du thuyền dài trên 45 m. Trụ sở chính của Triton đang trưng bày chiếc tàu lặn Pagoo trị giá tới 50 triệu USD từng thuộc sở hữu của người đồng sáng lập Microsoft Paul Allen.


Ray Dalio, tỷ phú sáng lập quỹ phòng hộ Bridgewater, đã đam mê tàu lặn từ 12 năm trước. Là người ngưỡng mộ cuồng nhiệt sĩ quan hải quân kiêm nhà hải dương học Pháp Jacques Cousteau, ông sở hữu một tàu nghiên cứu dài gần 87 m tên là OceanXplorer, chứa hai tàu lặn và ông ví nó giống như Calypso thời hiện đại, con tàu thám hiểm huyền thoại của Cousteau.

Danh sách các thành tựu khoa học mà tàu thám hiểm cùng những tàu lặn của Dalio đạt được rất phong phú. Nó là tàu lặn có người lái dưới đáy biển đầu tiên quay được video một con mực khổng lồ.

"Đối với tôi, điều đó rất thú vị", ông nói. "Bạn có thể nhìn thấy tất cả các loài vật, san hô, địa hình kỳ lạ, nhưng điều thú vị còn hơn thế rất nhiều. Đó là thế giới khác. Đại dương có ảnh hưởng rất lớn đến khí hậu, cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách, từ thương mại đến thực phẩm và còn rất nhiều thứ chưa được khám phá".

Dalio bày tỏ ngạc nhiên khi được hỏi về tâm lý lo sợ của công chúng đối với tàu lặn. "Tàu Titan vốn đang thử nghiệm, họ không có chứng nhận và họ không đại diện cho tất cả mẫu tàu lặn", ông nhấn mạnh.

Công ty U-Boat Worx ở Hà Lan đã chịu ảnh hưởng tiêu cực sau vụ Titan. Vào năm 2022, U-Boat Worx tung ra mẫu Nemo, chiếc tàu lặn nhỏ có giá khoảng 650.000 USD. Đây được coi là khiêm tốn trong một ngành mà hầu hết khách hàng có tài sản ròng ở mức 9 con số, đủ để trả cho chiếc siêu du thuyền cần để hạ thủy nó.

Trong khi đó, Nemo có thể được hạ thủy từ bãi biển bằng phương tiện riêng có giá 60.000 USD. Kế hoạch của U-Boat Worx là đưa mẫu này tiếp cận thị trường lớn hơn. Khách hàng tiềm năng của chúng là những người có sở thích đi dạo quanh những rạn san hô nông chứ không phải những người rất giàu có sẵn sàng chi hàng chục triệu USD để đi xuống đáy Rãnh Mariana.

Erik Hasselman, giám đốc bán hàng của U-Boat Worx, cho biết mặc dù không có ai hủy đơn đặt hàng, công ty nhanh chóng nhận thấy nhu cầu hạ nhiệt. "Có nhiều thứ gây ảnh hưởng đến nhu cầu, đặc biệt là ở một thị trường nhỏ như vậy, nhưng tôi cho rằng nó bắt nguồn trực tiếp từ Titan", ông nói.

"Thảm kịch đó tác động tiêu cực đến những người có hứng thú với tàu lặn", Lahey từ công ty Triton bày tỏ quan điểm tương tự.

Craig Barnett, giám đốc bán hành của Triton, cho biết Triton đã cung cấp 18 tàu lặn trong 15 năm qua, trong đó có 5 chiếc được giao 3 năm gần đây. Trước thảm kịch OceanGate, công ty có khoảng 15 hợp đồng đang thực hiện, mỗi hợp đồng mất khoảng 1-2 năm để hoàn thành. Khi sự cố xảy ra, họ gần như ngay lập tức mất một hợp đồng.

"Chúng tôi đang đóng chiếc tàu lặn trị giá 4 triệu USD cho du thuyền của một gia đình nhưng người vợ đã hủy nó", Barnett cho hay.

Nhưng chỉ vài ngày sau vụ nghiền nát, điện thoại của Lahey đổ chuông.

"Chúng tôi có khách hàng, một người đàn ông tuyệt vời", Lahey kể lại. "Ông ấy gọi cho tôi và nói 'anh biết đấy, điều chúng ta cần làm là chế tạo một phương tiện có thể lặn xuống độ sâu nơi có xác tàu Titanic nhiều lần và an toàn, đồng thời chứng minh cho thế giới thấy rằng các bạn có thể làm được điều đó, rằng Titan chỉ là một cỗ máy hỏng".

Người đàn ông gọi cho Lahey là Larry Connor, nhà đầu tư bất động sản ở Ohio, người từng xuống Rãnh Mariana và lên tới Trạm Vũ trụ Quốc tế.

"Tôi muốn cho mọi người trên toàn thế giới thấy rằng mặc dù đại dương cực kỳ dữ dội, nó có thể rất tuyệt vời, thú vị và thực sự thay đổi được cuộc đời ai đó nếu bạn thực hiện nó đúng cách", Connor nói qua điện thoại.

Ông và Lahey dự định thực hiện chuyến hành trình tới xác tàu Titanic cùng nhau trên một con tàu lặn dành cho hai người.

"Patrick đã suy nghĩ và thiết kế nó trong hơn một thập kỷ. Nhưng chúng tôi không thể thực hiện sớm hơn vì không có vật liệu và công nghệ", Connor cho hay. "Cách đây 5 năm, bạn không thể chế tạo chiếc tàu lặn này".

Nó được gọi là Triton 4000/2 Abyssal Explorer, đề giá 20 triệu USD trên trang web của công ty. Con tàu có khả năng lặn sâu 4.000 m, trong khi xác tàu Titanic nằm ở độ sâu 3.800 m. Connor không nói rõ thời điểm họ sẽ thực hiện hành trình.



Tàu lặn Titan. Ảnh: OceanGate


Biển sâu vẫn là một thế giới chưa được khám phá kỹ lưỡng giống như bên ngoài không gian. Nó chứa vô số điều bí ẩn, kho báu, khoáng sản hay các dạng sống chưa được biết đến. Gần như tất cả những người yêu thích tàu lặn đều rất tò mò về thế giới tự nhiên.

Tuy nhiên, tâm lý dè dặt là điều dễ hiểu. Có ba nỗi ám ảnh liên quan đến những chiếc tàu lặn, gồm chứng sợ không gian hẹp, nỗi sợ hãi những vùng nước bao la, không giới hạn, và chứng sợ khoảng trống. Khi một con tàu chìm trong nước, ánh sáng khúc xạ qua mái vòm acrylic của tàu lặn một cách hoàn hảo đến mức nó dường như biến mất, khiến một số hành khách cảm thấy họ bị trôi giữa đại dương.

Victor Vescovo là một trong số những người vượt qua được nỗi sợ và hình thành niềm đam mê bất tận đối với đáy biển sâu.

Ông có bằng Stanford, Harvard và Viện Công nghệ Massachusett (MIT), phục vụ trong lực lượng dự bị Hải quân 20 năm với tư cách sĩ quan tình báo. Ông đã leo lên ngọn núi cao nhất thế giới ở mọi châu lục, trượt tuyết ở Bắc Cực, Nam Cực và bay vào vũ trụ. Ông từng lên tàu lặn đến những điểm sâu nhất trong cả 5 đại dương và đến Challenger Deep, điểm sâu nhất trên bề mặt Trái Đất, 15 lần.

"Tôi không làm những điều đó để khoe khoang", ông nói. "Nếu tất cả những gì tôi muốn làm là phá kỷ lục thì có rất nhiều kỷ lục dễ phá hơn nhiều".

Đối với ông, việc theo đuổi những thứ bí ẩn của đại dương còn cao quý hơn thế, nó dựa trên tình yêu khoa học và sự tò mò không ngừng về thế giới.

"Tôi đặc biệt tin tưởng vào công nghệ", Vescovo nói. "Hầu hết những vấn đề lớn của thế giới chúng ta, từ sản xuất lương thực, y học đến truyền thông đều được giải quyết bằng công nghệ chứ không phải chính trị hay tôn giáo. Vì vậy, nếu tôi có thể thúc đẩy thế giới theo cách nhỏ bé của riêng mình, tôi tin rằng đó là cách tuyệt vời để sử dụng thời gian ngắn ngủi của tôi trên hành tinh này".

Vescovo đang tập trung nguồn lực vào dự án hồi sinh voi ma mút lông xù. Sau khi hoàn thành, Vescovo muốn quay lại vùng biển sâu và ước mơ đóng một chiếc tàu lặn "có thể làm được nhiều điều hơn nữa".

Nhà thám hiểm, người làm giàu nhờ điều hành một quỹ đầu tư tư nhân, đã chi khoảng 50 triệu USD cho chuyến thám hiểm tàu lặn gần đây nhất, chiếm một phần đáng kể trong tài sản của ông. Câu hỏi là nó có đáng giá không?

"Tất nhiên rồi, đáng giá từng xu. Đó là một khoản chi tiêu hợp lý", ông quả quyết.

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom