Gìn giữ và phát triển nghề chằm nón ngựa

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Người dân ở Phú Gia gọi là nón ngựa bởi chiếc nón có sự dẻo dai, bền bỉ, dùng đội khi cưỡi ngựa. Nón ngựa biểu trưng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với hình ảnh nghĩa quân Tây Sơn thần tốc. Theo các vị cao niên trong làng, ngày xưa, loại nón này chỉ được dành cho giới có chức sắc và những người thuộc giới thượng lưu, quyền quý. Trong đó, những mẫu hoa văn “long, lân, quy, phụng” được thêu trên nón là biểu hiện quyền uy của người đội. Mỗi mẫu hoa văn thể hiện thứ bậc trong xã hội thời ấy, cho nên chỉ cần nhìn vào hoa văn là biết phẩm hàm của những vị quan trong triều đình phong kiến.

Một trong những nghệ nhân tiêu biểu của làng nghề là ông Ðỗ Văn Lan, người đã có hơn 60 năm gắn bó với nghề làm nón ngựa. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống bốn đời chuyên làm nón ngựa, ông Lan nhanh chóng trở thành nghệ nhân xuất sắc trong nghề làm nón ngựa ở Phú Gia. Theo ông Lan, để có được một chiếc nón thành phẩm, người thợ phải làm thủ công trong nhiều ngày, nếu làm những mẫu phức tạp phải mất cả tháng để hoàn thành. Không giống nón lá thông thường, nón ngựa Phú Gia có kết cấu đặc biệt, quá trình để làm ra một chiếc nón ngựa cũng rất kỳ công.

Các nghệ nhân cần phải thực hiện tỉ mỉ nhiều công đoạn, từ lúc chuẩn bị nguyên liệu, vật dụng, đến làm mê, làm sườn, lợp lá, chằm chỉ, thêu hoa văn, làm vành, làm quai, chóp nón… trong đó, công đoạn tạo sườn mê, thắt nan sườn, lợp lá, thêu hoa văn là khó nhất. Hiện nay, mỗi công đoạn có một thôn, một xóm làm riêng theo hình thức chuyên môn hóa; hai thôn Phú Gia, Xuân Quang mua sườn mê về làm ra nón thành phẩm hoàn chỉnh. Theo người dân làng nghề, nghề chằm nón ngựa tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương, bởi từ người già đến trẻ em đều có thể tham gia vào nhiều công đoạn.

Ở làng nón ngựa Phú Gia, người dân sử dụng ba nguyên liệu chính là lá kè (lá cọ), cây giang và rễ dứa, trong đó lá kè dùng để lợp nón, lá kè phải là lá không quá non, cũng không quá già, được tìm mua từ vùng núi Vĩnh Thạnh (Bình Ðịnh) hoặc Gia Lai. Trước khi lợp, lá phải được phơi nắng rồi sấy qua lửa than, sau đó đem đi phơi sương để lá kè có độ dẻo dai nhất định. Tiếp đến là chọn cây giang tươi chẻ ra từng miếng cật dày; cật giang được nạo sạch vỏ, phơi khô và chẻ ra thành cây tăm thật nhỏ, đều, để làm sườn nón; rễ dứa rừng được chẻ thành thẻ, phơi khô và chuốt tròn dùng để làm sòi và làm vành nón. Hoa văn trên nón là các loại chỉ thêu đủ mầu. Có thể thấy, nguyên vật liệu làm nón ngựa không đắt tiền, nhưng giá trị của nó nằm ở sự dày công và kỹ thuật làm ra, nhất là về mỹ thuật. Một chiếc nón ngựa có thể sử dụng đến cả chục năm mà không hư hỏng. Dù vậy, nón ngựa hiện nay chủ yếu được khách du lịch mua làm kỷ niệm chứ không dùng để đội thường xuyên như nón lá.

Hiện nay, Phú Gia có hơn 100 hộ làm nón, trong đó có nhiều hộ gia đình đã làm nghề chằm nón hơn 200 năm và được truyền từ đời này sang đời khác. Vài năm gần đây, nón ngựa được tiêu thụ khá mạnh. Tuy nhiên, phần lớn đơn hàng là nón lật, không phải nón ngựa truyền thống. Nguyên nhân là vì để làm chiếc nón ngựa truyền thống rất công phu, giá lên đến 400.000-500.000 đồng/chiếc. Riêng với loại nón làm bắt mắt hơn, phần chóp nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có trạm trổ long, lân, quy, phụng thì có giá khoảng 2,5 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, chiếc nón lật đơn giản hơn, giá chỉ từ 80.000-150.000 đồng/chiếc. Ðiều này cho thấy sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như những thách thức mà nghề chằm nón ngựa Phú Gia đang phải đối mặt. Do vậy, rất cần sự phối hợp giữa chính quyền và cộng đồng trong việc thực hiện các dự án liên quan làng nghề để bảo tồn và phát triển một cách bền vững.


Ðể giữ giá trị của làng nghề, những năm qua, Cát Tường đã đầu tư làm đường bê-tông đến tận làng nón, xây dựng nhà trưng bày sản phẩm nón ngựa, kéo lưới điện hạ thế hoàn chỉnh đến các thôn Phú Gia, Xuân Quang và Kiều Ðông. Ngoài ra, xã đã lập dự án hỗ trợ các hộ đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch.

Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Ðịnh cho biết, làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần có quy hoạch tổng thể, chi tiết về không gian làng nghề. Ðiều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban nhân dân huyện Phù Cát và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đề án về bảo vệ và phát huy làng nghề. Trước mắt, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Ðịnh sẽ tổ chức tập huấn, giúp các nghệ nhân truyền nghề cho lớp trẻ bởi việc bảo vệ và phát huy giá trị của làng nghề không chỉ góp phần bảo tồn di sản văn hóa, mà còn tạo ra nguồn thu nhập cho cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Với chính sách phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Ðịnh, những làng nghề thủ công truyền thống như làng nón Phú Gia ở Cát Tường đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của du khách và ngày càng có thêm cơ hội để phát triển. Sự quan tâm, ủng hộ của du khách trong và ngoài nước không chỉ giúp tăng doanh thu cho làng nghề, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này.


Ngày 9/4/2024, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận nghề chằm nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Ðịnh) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hy vọng từ đây, nghề làm nón ngựa sẽ tiếp tục được quan tâm, gìn giữ để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch và bảo tồn di sản văn hóa của đất nước.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom