Đường tới Berlin: Cuộc chia tay không tiếc nuối

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Nó đã không xảy ra, kỷ lục ghi bàn ở 6 kỳ Euro liên tiếp cho anh, tiếp tục đẩy anh lên cao hơn nữa trên đỉnh kim tự tháp của những vinh quang. Nhưng khi Pepe, người cận vệ già khắc khổ 41 tuổi, ôm lấy anh, người ta thấy trong mắt anh không có những giọt nước mắt, nhưng rất nhiều ánh buồn. Đó là Euro cuối cùng của anh và cả Pepe.

Tạm biệt Ronaldo, tạm biệt một ngôi sao đang mờ đi trên bầu trời của những người trẻ. Sự chuyển giao giữa hai thời đại của bóng đá thế giới đã đến như thế trong đêm tháng 7 bên dòng Elbe, ở Hamburg, nơi Beatles đã có những buổi biểu diễn đầu tiên ở thập niên 1960 và báo hiệu sự ra đời của âm nhạc thời đại mới. Sự kết thúc này buồn và kéo dài, những 120 phút, kéo dài qua cả loạt luân lưu, khi một cầu thủ có cái họ rất đẹp và vui vẻ (felix có nghĩa là niềm vui) đem đến nỗi buồn cho nhiều người vì một pha đá luân lưu hỏng.


 
Nhưng những ai tỉnh táo đều có thể nhận ra rằng, sự kết thúc ấy là không tránh khỏi, không một điều gì hoặc một ai có thể ngăn cản được những quy luật của cuộc sống. Cũng có một suy nghĩ nữa, bạn cũng không thể bắt cả một tập thể phục vụ cho bạn để bạn trở thành một người vĩ đại hơn nữa trong khi mục tiêu của chính tập thể ấy luôn cần phải đặt lên hàng đầu. Huấn luyện viên Roberto Martinez đã phải cố gắng cân bằng lợi ích của cá nhân Ronaldo và tập thể, dù biết là nếu thất bại, chỉ trích sẽ ập lên đầu ông. Và canh bạc ấy đã thất bại.


Đúng ra là Ronaldo đã có cơ hội đó, rất rõ ràng, một bàn thắng có thể đem đến cho Bồ Đào Nha chiến thắng và một lần nữa viết thêm tên anh vào cuốn sách sử của bóng đá nước này. Nhưng anh đã làm hỏng cơ hội ấy để sau đó rơi nước mắt và rồi sau trận giải thích rằng, anh khóc vì đây là Euro cuối cùng của anh. Đó là quả phạt đền hỏng ăn trong trận gặp Slovenia.


May mà có Diogo Costa, may mà những pha cản phá ngay sau pha hỏng ăn ấy và trong loạt luân lưu đã khiến cho tên tuổi anh không bị hoen ố. CR7 lấy lại sự tự tin ở loạt luân lưu và đưa Bồ Đào Nha đến chiến thắng. Chính anh cũng đá thành công lượt luân lưu của mình và có một pha ăn mừng nho nhỏ với ánh mắt và nụ cười như muốn nói với đồng đội và cổ động viên của anh: “Đừng lo, vẫn có tôi đây”. Nhưng anh vẫn phải đầu hàng số phận. Luân lưu không khác xổ số và cuộc phiêu lưu của anh kết thúc.


Ronaldo không nói gì đến tương lai của mình sau thất bại. Anh cũng không hé mở bất cứ điều gì có liên quan, như thể mọi chuyện vẫn còn tiếp tục ở tuổi 39...


Và bây giờ, rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao Goncalo Ramos, người đã ghi hơn 40 bàn thắng trong hai mùa bóng qua, không được ra sân một phút nào trong trận đấu với Pháp? Tại sao Diogo Jota, người đã ghi vô số bàn thắng quan trọng cho Bồ Đào Nha và Liverpool những năm qua, cũng chung số phận với Ramos, dự bị cả trận?


Ronaldo là một biểu tượng, một siêu sao, anh có hàng triệu người hâm mộ, tên anh mỗi lần được xướng lên trên loa khi thông báo đội hình xuất phát của Bồ Đào Nha đều làm vang lên những tiếng hò reo, số 7 của anh xuất hiện trên lưng áo của nhiều người hâm mộ ngoài sân, nhưng anh phải dừng lại và nên biết khi nào cần dừng lại.


20 năm trước, anh dự Euro đầu tiên và cùng Bồ Đào Nha thua Hy Lạp trong trận chung kết. 8 năm trước, anh đã rơi nước mắt khi rời sân trong hiệp 1 trận chung kết Euro 2016 ở Paris và rồi đăng quang sau bàn thắng duy nhất của Eder, cầu thủ nay đã giải nghệ. Thời gian không chừa ai cả, kể cả anh, người cuối cùng cũng phải dừng bước ở giải lớn, kể cả Pepe, người đã khóc khi loạt luân lưu chết chóc kết thúc.


Ronaldo không khóc khi ấy, anh đã khóc trước đó mấy ngày ở trận gặp Slovenia. Có lẽ anh biết đó là cơ hội dễ dàng nhất anh có để ghi được bàn thắng ở Euro cuối cùng của đời anh. Nhưng anh đã ném nó đi.


LÊ MINH (từ Hamburg, Đức)


* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom