Đột ngột mất thị lực do đột quỵ tuyến yên

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Hà NộiÔng Thanh, 74 tuổi, đang xem phim thì bỗng nhiên tối sầm, không thấy gì, bác sĩ phát hiện khối u xuất huyết gây đột quỵ tuyến yên.


Kết quả kiểm tra mắt của ông Thanh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho thấy thị lực giảm trầm trọng, mắt phải chỉ còn phân biệt được sáng - tối, mắt trái thị lực 20/80. Thị trường (khoảng không gian mà mắt bao quát được khi nhìn cố định vào một điểm) của hai mắt đều bị tổn hại, mắt phải gần như không còn thị trường. Kết quả chụp MRI cho thấy ông Thanh có khối u lớn vùng hố yên.

Ngày 11/6, TS.BS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, cho biết ông Thanh bị mất thị lực cấp tính do đột quỵ tuyến yên. Khối u đang chảy máu và chèn ép các cấu trúc của động mạch cảnh, tuyến yên, giao thoa thị giác. Tuyến yên là tuyến chính của hệ thống nội tiết, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự cân bằng các chức năng của cơ thể. Đột quỵ tuyến yên là cấp cứu nội tiết ít gặp, xảy ra khi tuyến yên bị thiếu máu nuôi (nhồi máu) hoặc một vùng mô ở tuyến yên xuất huyết liên quan đến khối u tuyến yên.

Theo bác sĩ Đức Anh, khối u cần được giải quyết sớm nhằm phục hồi chức năng thần kinh các vùng bị chèn ép, đồng thời khôi phục hormone của tuyến yên. Nếu để lâu, ông Thanh có nguy cơ cao suy tuyến yên vĩnh viễn, phải sử dụng thuốc hormone thay thế cả đời, mất thị lực, khiếm khuyết thị trường, liệt vận nhãn, hoại tử tuyến yên, suy nội tiết, tử vong. Liệt vận nhãn là tình trạng không có khả năng di chuyển cả hai mắt cùng nhau theo chiều ngang hoặc chiều thẳng đứng.



Bác sĩ Đức Anh xem phim chụp cộng hưởng từ của ông Thanh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh


Người bệnh được kiểm soát các bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường để đảm bảo trong quá trình gây mê, hồi sức suốt quá trình mổ. Trong ba giờ, các bác sĩ phẫu thuật nội soi tiếp cận tuyến yên qua đường mũi để , giải phóng chèn ép cho các cấu trúc xung quanh. Bác sĩ ứng dụng hệ thống dẫn đường định vị thần kinh Neuro Navigation giúp tiếp cận chính xác tổn thương, hạn chế biến chứng do xâm phạm vào các cấu trúc thần kinh xung quanh.

Hậu phẫu, tình trạng rối loạn nội tiết của ông Thanh ổn định, giảm dần các thuốc hormone, sau đó cắt hẳn. Thị lực cải thiện tốt, có thể khôi phục hoàn toàn sau một tháng điều trị. Dù u đã được loại bỏ, song vẫn có khả năng tái phát, ông cần tái khám định kỳ.

Theo bác sĩ Đức Anh, phẫu thuật nội soi là kỹ thuật khó cần phẫu thuật viên có kinh nghiệm, thực hiện ở phòng mổ có trang thiết bị hiện đại để hạn chế tối đa biến chứng.

Hai thể của tuyến yên gồm thể liên quan đến hormone thường xuất hiện ở lứa tuổi sinh sản, thể khống chế tiết (không liên quan đến vấn đề hormone) hay gặp ở người cao tuổi. Khối u khống chế tiết như trường hợp của ông Thanh thường không có biểu hiện rõ rệt. Chỉ khi khối u xâm lấn, chèn ép lên các tổ chức thần kinh xung quanh mới bộc phát triệu chứng như suy giảm thị lực, đau đầu, rối loạn ý thức...

Hiện, chưa xác định nguyên nhân chính xác gây đột quỵ tuyến yên. Các yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn tới bệnh lý này như mang thai, lớn tuổi, có u tuyến yên lớn nhưng chưa phẫu thuật, mắc bệnh nền như tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, có rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông.

Bác sĩ Đức Anh khuyến cáo người có yếu tố nguy cơ nên chủ động sức khỏe định kỳ để phòng tránh và kịp thời điều trị. Trường hợp đột ngột đau đầu, suy giảm thị lực, rối loạn ý thức... cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Ngoại thần kinh, Nội tiết, Ung bướu...

Linh Đặng

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh để bác sĩ giải đáp

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom