Đoàn kết, thi đua bảo đảm tốt công tác hậu cần

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết những đặc điểm chủ yếu tác động đến công tác hậu cần của Quân đoàn 4?

Đại tá Nguyễn Văn Phượng: Quân đoàn 4 đóng quân trên địa bàn các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ. Đây là khu vực có điều kiện kinh tế và hạ tầng phát triển năng động, với mật độ dân cư cao. Các đơn vị của Quân đoàn 4 hầu hết đóng quân ở địa bàn đô thị nên có nhiều thuận lợi trong công tác bảo đảm hậu cần.


Tuy nhiên, ngành hậu cần Quân đoàn vẫn gặp không ít khó khăn, như: Địa hình, thời tiết, khí hậu khu vực đóng quân phức tạp; nắng gắt, nhiệt độ cao kéo dài; mùa mưa thường đi kèm sấm sét, dông lốc... ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe bộ đội và công tác tăng gia, chăn nuôi. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng biến động, đắt đỏ. Tình hình dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm vẫn phát triển mạnh và có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào...


Do vậy, để khắc phục khó khăn, ngành hậu cần Quân đoàn 4 đã tích cực, chủ động chuẩn bị và tổ chức bảo đảm hậu cần với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.


 
PV: Những giải pháp đó là gì, thưa đồng chí?


Đại tá Nguyễn Văn Phượng: Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của công tác hậu cần, chúng tôi luôn quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; chủ động rà soát, bổ sung hệ thống văn kiện hậu cần theo chỉ lệnh, mệnh lệnh, quyết tâm của Bộ tư lệnh Quân đoàn; tổ chức phân cấp vật chất hậu cần sẵn sàng chiến đấu và vật chất hậu cần cho nhiệm vụ đột xuất phù hợp, quản lý tốt về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.


Giai đoạn 2019-2024, ngành hậu cần Quân đoàn 4 đã làm tốt công tác tham mưu giúp Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn, lấy chất lượng bảo đảm cho đơn vị là thước đo đánh giá trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ hậu cần; chủ động phân cấp khai thác, tạo nguồn bảo đảm lương thực, thực phẩm kết hợp với đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chế biến. Đây là biện pháp quan trọng để giữ ổn định và nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày của bộ đội.


Bên cạnh đó, ngành hậu cần đã duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả cơ sở xay xát gạo ở Cần Thơ, do Quân đoàn đầu tư. Hằng năm, vào tháng 3 chính vụ đông xuân, Quân đoàn đều mua từ 1.300 đến 1.500 tấn lúa khô đưa vào tạm trữ, kết hợp với mua gạo nguyên liệu để xay xát, sau đó sử dụng tàu vận chuyển về bến thủy nội địa của Quân đoàn cấp phát bảo đảm nhu cầu gạo ăn cho đơn vị mỗi tháng 3 lần với chất lượng gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu (5% tấm, độ ẩm 15%); giá ổn định, rẻ hơn thị trường 15-20%. Do đóng quân chủ yếu ở địa bàn đô thị nên Quân đoàn đã chỉ đạo chuyển từ nuôi heo sang nuôi gia cầm lấy thịt và trứng.


Đối với công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội, ngành hậu cần chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, say nắng, say nóng... bảo đảm đơn vị không để xảy ra dịch bệnh, quân số khỏe tham gia huấn luyện, học tập đạt trên 99%.


Đặc biệt, một trong những biện pháp quan trọng được Đảng ủy, Ban chỉ huy Cục Hậu cần duy trì hiệu quả là đẩy mạnh Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và phong trào thi đua của các chuyên ngành; kết hợp thực hiện Phong trào TĐQT và các cuộc vận động, các phong trào thi đua khác, nhất là thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tạo khí thế thi đua sôi nổi, khích lệ cán bộ, chiến sĩ phấn đấu vươn lên, không ngừng tiến bộ.


PV: Đề nghị đồng chí cho biết kết quả nổi bật của những giải pháp đó?


Đại tá Nguyễn Văn Phượng: Trong 5 năm qua, ngành hậu cần đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm hậu cần đầy đủ, chu đáo, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ của Quân đoàn. Hiện tại, 100% đầu mối đơn vị đã quy hoạch và đầu tư xây dựng khu tăng gia tập trung; 100% diện tích rau ăn lá được trồng trong nhà lưới, bê tông hóa hệ thống giàn. Vườn cây ăn quả được đầu tư phát triển tốt... Toàn Quân đoàn luôn bảo đảm đủ 100% nhu cầu rau xanh và trái cây phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội.


Quân đoàn cũng duy trì nền nếp hoạt động của 11 trạm chế biến tiếp phẩm tập trung cấp trung đoàn, lữ đoàn và sư đoàn. Hoạt động giết mổ, sản xuất đậu phụ, giá đỗ, chả, dưa muối... bảo đảm chất lượng, an toàn và rẻ hơn thị trường cùng thời điểm 15-25%. Việc cấp phát, quản lý xăng dầu, quân nhu, doanh trại đúng quy định, thực hành tiết kiệm và làm tốt công tác phòng, chống cháy nổ, không để xảy ra thất thoát, hư hao...


PV: Thời gian tới, ngành hậu cần Quân đoàn 4 tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa đồng chí?


Đại tá Nguyễn Văn Phượng: Trước yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, ngành hậu cần Quân đoàn 4 tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Bảo đảm tốt công tác hậu cần cho nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội và phòng ngừa dịch bệnh; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chế biến gắn với công tác quản lý; thường xuyên chú trọng bảo đảm doanh trại, xây dựng, vật tư cho Quân đoàn thực hiện nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh...


Đảng ủy, Ban chỉ huy Cục Hậu cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” gắn với Phong trào TĐQT, tạo động lực thúc đẩy đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.


PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


CHÂU GIANG (thực hiện)


*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom