Đồ chơi trẻ em nhuốm màu bạo lực

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Nhộn nhịp “hàng nóng” bán cho trẻ em

Theo khảo sát của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội tại nhiều cửa hàng đồ chơi trẻ em dễ dàng bắt gặp các loại đồ chơi bạo lực được bày bán khá công khai. Chỉ cần bỏ ra từ vài chục đến cả trăm nghìn đồng là có thể sở hữu những sản phẩm đồ chơi hình gươm, đao, kiếm, súng, lựu đạn, còng số 8…

s5.jpg -0

Một khẩu súng bắn thạch được bán tại cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội) có giá khoảng 800 nghìn đồng.


Tại một cửa hàng chuyên bán đồ chơi trẻ em thuộc địa phận xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội), bên cạnh các loại đồ chơi thân thiện dành cho trẻ như: búp bê, máy bay, xe ôtô mô hình… thì vẫn xuất hiện khá nhiều loại đồ chơi như: súng, kiếm Nhật bằng nhựa. Nhiều cây kiếm dài cỡ 50 cm được chủ cửa hàng đặt giữa gian đồ chơi nhằm thu hút trẻ em. Khi phóng viên hỏi có súng dạng AK bắn đạn nhựa không thì chủ cửa hàng cho biết: “Nếu muốn mua súng bắn đạn nhựa cỡ to thì phải đặt mới có, còn một số loại súng ngắn thì ở đây bán nhiều. Giá của mỗi loại sản phẩm cũng rất khác nhau, có những khẩu súng chỉ 15.000 đồng, những khẩu súng đắt thì khoảng 200 -300 nghìn đồng”.

Tương tự, một cửa hàng thuộc phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng bày bán khá nhiều đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên tại đây mặt hàng như súng bắn đạn nhựa, dao, kiếm… được bán khá kín đáo. Phía bên ngoài chủ yếu bán các đồ chơi phổ thông như: búp bê, bộ ghép hình lego, ôtô mô hình… Khi hỏi mua súng bắn đạn nhựa, người bán mới đưa chúng tôi vào phía bên trong để lựa chọn. Chủ cửa hàng tiết lộ: “Bây giờ cơ quan chức năng cấm bán các đồ chơi mang tính bạo lực, chính vì thế bọn tôi mới để bên trong. Có một điều lạ là, trẻ em bây giờ cũng không thích mua các đồ chơi kiểu như ôtô mô hình, búp bê hay các hình ghép cho lắm. Các cháu chủ yếu thích súng bắn nước, súng bắn đạn và một số loại dao kiếm. Nếu như chúng tôi không bán các loại mang tính bạo lực thì gần như không có khách mua”.

Tại một cửa hàng trên phố Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội), đây là một địa chỉ khá nổi tiếng của các em học sinh bởi sản phẩm đa dạng. Bên cạnh những loại đồ chơi phổ thông thì tại đây có rất nhiều loại súng đồ chơi. Trong vai phụ huynh đi mua đồ chơi tặng con ngày 1/6, phóng viên gợi ý muốn mua súng đạn thạch thì được chủ cửa hàng cho biết, tại đây có đủ loại súng đạn thạch, từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng.

Chủ cửa hàng cho biết: “Có rất nhiều loại súng bắn đạn thạch, loại M416 bắn đạn thạch liên thanh hay còn gọi là Gelgun, được làm theo mẫu vũ khí có thật trong thực tế được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Gelgun sử dụng loại đạn thạch 7-8mm, dạng viên hình tròn như silicon. Loại đạn này ban đầu ở trạng thái khô, sau khi ngâm với nước sẽ nở ra. Loại này có giá khoảng 800 nghìn đồng. Bên em còn khá nhiều loại súng bắn đạn thạch khác như, Bertta kim loại cắc bụp bạc giá 1,2 triệu đồng, súng đạn thạch Combat Master TTI 2011- UDL 2011 giá 1 triệu đồng, súng đạn thạch M16 Tỉ Lệ 1:1 bản full nylon giá 1,3 triệu đồng. Hay loại súng AK47, đây là mẫu có tầm bắn 20-30m, cân nặng khoảng 1kg, chiều dài 88cm. mẫu này bao gồm thân súng AK47, băng đạn, pin 4.7V, dây sạc, kính mắt và túi đạn thạch. Súng AK47 được thiết kế bằng chất liệu nhựa ABS và một vài chi tiết kim loại áp dụng cơ chế auto được nhiều người tiêu dùng lựa chọn trưng bày trong nhà. Bởi vì thiết kế súng bắn đạn thạch AK 47 đẹp và sắc sảo như súng thật. Tuy nhiên những loại súng này được khuyến cáo trẻ em trên 8 tuổi mới được dùng vì nó có độ sát thương”.

Đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực không chỉ được bày bán khá công khai tại một số cửa hàng mà trên mạng cũng được rao bán rất rầm rộ. Chỉ cần lên Google gõ từ khóa: “súng đồ chơi trẻ em”, là có thể xuất hiện hàng loạt các trang bán khá công khai. Thực tế, có rất nhiều trang web bán hàng đồ chơi, mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều fanpage, hội nhóm bán đồ chơi, trong đó có rất nhiều mặt hàng đồ chơi mang tính bạo lực như súng, dao, kiếm…

Điều đặc biệt, trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam cũng rao bán công khai nhiều dòng đồ chơi này. Theo khảo sát của phóng viên, tại một sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam dòng súng bắn đạn bằng xốp, súng bắn nước, súng bắn đạn mềm, súng bắn điện, súng bắn nước cao áp bằng điện được bán rất công khai. Các cơ sở bán hàng cho rằng, đây là đồ chơi không gây sát thương, tuy nhiên theo phản ánh của nhiều phụ huynh, thực tế trong quá trình chơi của trẻ, những đồ chơi này vẫn có thể làm tổn hại đến cơ thể như trầy xước hoặc tác động đến những bộ phận quan trọng trên cơ thể.

Truy cập vào trang web có tên “sungdoichoi.vn”, chúng tôi không khỏi giật mình vì các sản phẩm tại đây rất đa dạng về mẫu mã và giá cả. Điều đặc biệt nhất, những loại súng được gắn mác cho trẻ em đều được làm khá đa dạng. Từ súng bắn đạn nhựa, súng bắn nước, rồi đến súng bắn thạch đều được bày bán.

s1.jpg -0

Nhiều em nhỏ tỏ ra thờ ơ với những đồ chơi thân thiện như ghép hình, ôtô mô hình.


Để thực hư những sản phẩm này chúng tôi có liên hệ với số điện thoại được gắn trên trang web, người bán hàng chia sẻ: “Chúng em có đầy đủ các loại súng cho trẻ em, những mẫu mã đều được làm rất giống thật. Giá cả thì đa dạng để chị lựa chọn mua cho cháu. Hiện này nhiều trẻ em rất hứng thú với loại súng bắn thạch vì chúng được thiết kế cực kỳ đẹp và rất giống với súng ngoài đời. Đặc biệt hơn nữa, súng có thể bắn xa 20-30m, có tiếng nổ khá hay. Loại rẻ nhất là 50 nghìn đồng, loại đắt có thể lên đến vài triệu đồng”.

Khi tỏ ra nghi ngại vì liệu súng này có được bán công khai và trẻ em được sử dụng hay không thì chủ shop này cho biết: “Nếu được bán công khai chúng em đã thuê cửa hàng bán chứ đâu phải bán trên mạng. Còn trẻ em thì cứ trên 8 tuổi là được sử dụng rồi...”.

Hậu quả khôn lường

Điều nguy hiểm là các loại đồ chơi này, đặc biệt là súng có sử dụng khí nén, kích thước đạn lớn, có khả năng gây sát thương đối với người bắn. Đây là những mặt hàng cấm và được khuyến cáo không nên cho trẻ em sử dụng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các cửa hàng kinh doanh vẫn nhập và bày bán mặt hàng này.

Liên quan tới đồ chơi trẻ em, trước đó tháng 5/2023 Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) đã bắt quả tang cửa hàng thuộc hộ kinh doanh Phan Thị Nga (địa chỉ số 162 đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đang kinh doanh đồ chơi trẻ em nhập lậu.

Số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ gần 2.000 sản phẩm là búa đồ chơi; quạt cầm tay mini; xe ôtô đồ chơi loại to, bộ đồ chơi xếp hình; bộ đồ chơi lắp ráp các hình; bộ đồ chơi câu cá; bộ súng đồ chơi các loại; đèn laser; bộ búp bê đồ chơi... để xử lý theo thẩm quyền.

Thực tế cho thấy, hiện nay đồ chơi trẻ em được bày bán rầm rộ trên thị trường, tại các cửa hàng và nhất là các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, nhiều loại đồ chơi được niêm yết trên các sàn thương mại điện tử, thậm chí tại một số cửa hàng lại không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ em khi sử dụng.

s6.jpg -0

Các loại súng bắn thạch bán tràn lan và rất công khai trên mạng xã hội.


Bên cạnh những sản phẩm mặt nạ bằng nhựa mềm, thì cũng có nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em được cấu thành, sản xuất từ nhựa PVC, loại nhựa này được coi là loại nhựa độc hại nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi nhất trong các sản phẩm tiêu dùng trên thế giới, chỉ sau polyethylene. Nguyên nhân là bởi giá thành rẻ, tính chất dẻo dai, bền và trong suốt. PVC chứa nhiều hóa chất độc hại, trong đó có chì và DEHP, một loại phthalate được sử dụng làm chất làm mềm dẻo.

Đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, chất này dễ dàng rời bỏ chất gốc và phân tán vào cơ thể người khi tiếp xúc ở nhiệt độ nóng, đó là nguy cơ khi trẻ ngậm đồ chơi hoặc qua đường hô hấp. Ngoài ra, chất này còn có thể gây nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng, nhất là đối với trẻ em.

Vào tháng 3/2023, tại Hà Nội, cơ quan chức năng đã thu giữ số lượng lớn đồ chơi nguy hiểm. Cụ thể, tại tổ 17 Phú Lương (quận Hà Đông), lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện trên 700 sản phẩm đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình súng là loại đồ chơi kích động, bạo lực, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

s2.jpg -0

Một loại súng đồ chơi được bày bán khá công khai tại cửa hàng thuộc phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).


Trước đó, lượng chức năng TP.Hà Nội cũng thu hơn 2.500 sản phẩm đồ chơi mô hình súng bằng nhựa do nước ngoài sản xuất, tại cửa hàng kinh doanh tại quận Đống Đa. Các lô đồ chơi được phát hiện trong những vụ việc nêu trên đều không rõ nguồn gốc xuất xứ; không được chứng nhận chất lượng và không có hóa đơn chứng từ và đều nằm trong nhóm đồ chơi bạo lực, không được tiêu thụ trên thị trường. Bởi theo quy định, đồ chơi trẻ em là mặt hàng bắt buộc phải có chứng nhận hợp quy của cơ quan quản lý chất lượng chuyên ngành thì mới đảm bảo an toàn để lưu thông trên thị trường.

Việc để trẻ em chơi những loại đồ chơi mang xu hướng bạo lực như súng, dao kiếm không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và quá trình phát triển của trẻ. PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, tất cả những đồ chơi mang khuynh hướng bạo lực đều ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của các con. Nó ảnh hưởng thế giới quan cũng như cách thức mà đứa trẻ ứng xử với thế giới. Cũng như các bộ phim bạo lực nếu có nhiều trường hợp anh hùng mà lại được khuyến khích bởi những hành động rất bạo lực thì chúng ta cũng nhìn thấy ảnh hưởng hành vi ứng xử của chính đứa trẻ trong môi trường học đường.

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, tại sao trong thời gian gần đây có rất nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau sử dụng hung khí. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng nó liên quan đến các biểu tượng nữ anh hùng xuất hiện trên màn ảnh và sử dụng hành động bạo lực để thu hút, trở thành thần tượng của giới trẻ. "Khi chúng ta biết các con đang tiếp cận với đồ chơi bạo lực thì chúng ta cần có cách ứng xử phù hợp. Những dạng đồ chơi như thế này các con chỉ sử dụng trong một số hoàn cảnh nhất định chứ không sử dụng trong tình huống thực tế. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần khuyến cáo các con nếu đưa những đồ chơi này lên mạng thì bản thân sẽ gặp các rắc rối như thế nào…" , TS Trần Thành Nam cho biết.

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật Intelia cho biết: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh trật tự, an toàn xã hội sẽ bị cấm.

Về chế tài đối với hành vi buôn bán các sản phẩm đồ chơi nguy hiểm, sản phẩm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em, buôn bán hàng cấm, theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm quy định về cung cấp các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất là 50.000.000 đồng.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom