Điều ít biết về bốn vaccine xuất xứ Nga

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Vaccine Sabin góp phần giúp Việt Nam "thanh toán bại liệt" năm 2000, Sputnik V phòng Covid-19, EnceVir ngừa sốt ve mò đều có xuất xứ từ Nga.


75 năm qua, Việt Nam - Nga hợp tác đa lĩnh vực như quốc phòng, khoa học, kỹ thuật, y tế. Các chuyên gia Nga cũng cống hiến quan trọng ở mảng vaccine, trong đó có hai loại được chuyển giao công nghệ, nhập khẩu ở nhiều quốc gia.

Bác sĩ Lê Thị Trúc Phương, chuyên viên Y khoa Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, điểm qua những thành tựu sản xuất, hợp tác phát triển vaccine tại Nga mà Việt Nam từng thụ hưởng.

Vaccine bại liệt đường uống

Giữa thế kỷ 20, virus bại liệt được tìm thấy toàn cầu, gây tử vong hoặc làm tê liệt hơn nửa triệu người mỗi năm. Tổng thống thứ 32 của Mỹ, Franklin Roosevelt, cũng mắc bệnh này, liệt từ thắt lưng trở xuống.

Đầu thập niên 1950, vaccine phòng bại liệt bất hoạt đầu tiên ra đời, do bác sĩ Mỹ Jonas Salk sáng chế. Cùng thời điểm ấy, nhà khoa học Albert Sabin tạo ra vaccine sống giảm độc lực có thể uống, dưới dạng giọt hoặc viên đường. Tuy nhiên, khi Salk "phủ" rộng, Chính phủ Mỹ không quá quan tâm dòng Sabin mới.

Do đó, Sabin hợp tác các nhà khoa học Liên Xô Mikhail Chumkov, Anatoly Smorodintsev, tiếp tục phát triển vaccine ở Moscow. Vài nghìn liều vận chuyển từ Mỹ trong vali thông thường và những đợt tiêm chủng đầu tiên ứng dụng cho người thân, bạn bè, con cháu của họ.

Năm 1958-1959, hơn 10 triệu trẻ em Liên Xô được uống thử nghiệm, chứng minh vaccine Sabin an toàn, hiệu quả. Năm 1960, 77,5 triệu người dân nước này được uống vaccine.

Năm 1963, Mikhail Chumkov, Anatoly Smorodintsev nhận giải thưởng Lênin. Các nhà khoa học hàng đầu thế giới từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc dự hội nghị chuyên đề thường niên tại Viện Bệnh bại liệt và Viêm não do virus, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Y tế Liên Xô. Vaccine do Viện sản xuất sau đó xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.



Vaccine bại liệt đường uống được sử dụng rộng rãi tại Liên Xô. Ảnh tư liệu chụp ngày 18/1/1960


Tại Việt Nam, giai đoạn 1957-1959, bại liệt từng bùng phát thành dịch ở phía Bắc, có đến 500 ca tử vong và 17.000 bệnh nhi. Mỗi năm, hàng chục nghìn trẻ bị di chứng liệt suốt đời.

Nhờ vaccine đường uống Sabin, năm 1961, tỷ lệ mắc bại liệt giảm từ 126,44/100.000 người xuống 3,09/100.000. Để chủ động phòng ngừa, Chính phủ lâm thời yêu cầu phải sản xuất được vaccine bại liệt. Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên nhận lệnh sang Liên Xô tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine bại liệt dạng uống.

Năm 1962, Việt Nam chế tạo thành công vaccine bại liệt sống giảm độc lực Sabin bằng công nghệ nuôi cấy trên tế bào thận khỉ tiên phát, do các chuyên gia Liên Xô hỗ trợ, tỷ lệ mắc và tử vong tiếp tục giảm, không xảy ra dịch.

Nhờ triển khai vaccine bại liệt trong chương trình tiêm chủng mở rộng, với trên 95% trẻ được uống, Việt Nam được WHO công nhận "thanh toán bệnh bại liệt năm 2000".



Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên tham gia nghiên cứu sản xuất vaccine bại liệt uống Sabin ở Việt Nam. Ảnh: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương


Vaccine Sputnik V

Sau AstraZeneca, ngày 23/3/2021, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện với vaccine Gam-Covid-Vac (tên khác Sputnik V) của Nga để phòng, chống Covid-19.

Tháng 9 cùng năm, Việt Nam bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik V. Tính đến 4/12/2021, nước ta tiếp nhận hơn 1,5 triệu liều tiêm cho người dân.

Sputnik V được phát triển dựa trên nền tảng vector adenovirus, đưa mảnh gene từ Sars-CoV-2 vào virus adeno đã biến đổi để kích thích phản ứng của các tế bào miễn dịch. Mọi người được tiêm hai mũi cách nhau ba tuần.

Trước đó, từ 11/8/2020, Bộ Y tế Nga triển khai tiêm Sputnik V trên cả nước. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba công bố trên The Lancet, vaccine hiệu quả tới 91,6%, riêng tình nguyện viên hơn 60 tuổi, tỷ lệ này đạt 91,8%. Sau tiêm, 98% trường hợp sản sinh kháng thể chống lại virus Sars CoV-2.

Vaccine được sử dụng rộng rãi toàn cầu. Tính đến tháng 3/2021, có hơn 50 quốc gia phê duyệt Sputnik.



Một lọ vaccine Sputnik V, Nga. Ảnh: Reuters


Vaccine điều trị ung thư

Tại Diễn đàn Công nghệ Tương lai ở Moscow tháng 2, Tổng thống Putin mô tả việc phát triển vaccine ung thư ở nước này đang tiến gần điều trước đây thường xem là "khoa học viễn tưởng".

Theo Cơ quan Y tế - Sinh học Nga, dùng kháng nguyên có thành phần thay đổi trong vaccine chưa phù hợp với quy định hiện hành. Các nhà khoa học đối mặt với bài toán sản xuất, cung ứng vaccine, do Nga chỉ có một số cơ sở đủ tiêu chuẩn như Trung tâm Ung thư Blokhin, Trung tâm Công nghệ não và thần kinh liên bang (Moskva). Đơn vị kỳ vọng khi giảm thiểu áp lực về pháp lý, công nghệ vaccine sẽ thu hút nhà đầu tư tư nhân trong nước, đủ tài chính để tung vaccine ung thư trong ba năm.

Trước mắt, Cơ quan Y tế - Sinh học Liên bang Nga đề xuất cho phép sản xuất, ứng dụng thuốc chứa thành phần thay đổi, có hiệu lực tháng 9 này. Họ cũng yêu cầu tổ chức nắm giữ bằng sáng chế thực hiện.

Trên thế giới, có năm ứng viên vaccine ngừa ung thư tiềm năng đang thử nghiệm. Trong đó, mRNA-4157 do hãng dược Merck và Moderna nghiên cứu, được FDA (Mỹ), CE (châu Âu) chứng nhận điều trị bổ trợ u ác tính, có thể ra mắt 2025.

Vaccine phòng viêm não do bọ ve (TBE)

Viêm não do bọ ve là bệnh nhiễm virus của hệ thần kinh trung ương, chủ yếu lây truyền qua vết cắn từ bọ ve. Đến nay, bệnh có mặt hơn 35 quốc gia châu Âu, châu Á.

Ở Việt Nam, bệnh còn gọi là sốt ve mò, ghi nhận quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa mưa (tháng 4 đến tháng 10), cao điểm là tháng 6, 7. Người chuyên khai hoang, bộ đội hành quân, tập luyện dã ngoại hoặc đến vùng rừng núi, đồng ruộng dễ mắc bệnh. Nhiễm trùng có thể xảy ra vì tiêu thụ sữa từ bò, dê hoặc cừu nhiễm bệnh, chưa tiệt trùng.

Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với cúm, sốt rét, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết... Bệnh nhân cần được điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, trụy tim mạch, viêm phổi bội nhiễm, phù phổi, viêm thận, suy đa tạng... Cứ ba người mắc sẽ có một trường hợp bị di chứng ảnh hưởng lâu dài, vài tháng hoặc cả năm. Họ đối diện nguy cơ thay đổi nhận thức, yếu cơ hoặc liệt vĩnh viễn.



Trẻ tiêm vaccine ngừa bọ ve ở Nga. Ảnh: Doctor-anna


Vaccine chống TBE có ở Nga từ 1939. Trước đó một năm, các nhà khoa học nghiên cứu vaccine TBE thế hệ một - bất hoạt "não chuột" đầu tiên từ phân nhóm TBEV ở Viễn Đông. Hiệu quả đạt mức 98% nhưng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Giai đoạn 1950-1960, vaccine TBE thế hệ hai ra đời, nuôi cấy tế bào phôi gà để nhân giống virus. Vaccine được nâng cấp vào 1961-1966 và thử nghiệm ở Tây Siberia. Năm 1980 chào đón thế hệ thứ ba đông khô, tinh khiết, đậm đặc.

Hiện EnceVir sản xuất tại Nga, là một trong bốn loại có thể ngừa bệnh từ bọ ve, được WHO khuyến cáo tiêm chủng cho mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em khi dịch lưu hành.

Dòng này có hai phiên bản phổ biến, do Microgen sản xuất gồm: EnceVir Neo - tiêm cho trẻ 3-17 tuổi, là hỗn hợp dịch cô đặc vô trùng chứa virus bất hoạt bằng formalin do ve gây ra (chủng 205); EnceVir - tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.

Nga còn có vaccine bất hoạt khác là Kleshch-E-vak, sản xuất bởi Viện bại liệt và viêm não do virus Chumkov (Nga), tiêm cho trẻ từ một tuổi.

Theo một nghiên cứu công bố năm 2023 trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, hiệu quả bảo vệ của vaccine ngừa bệnh từ bọ ve, trong đó có EnceVir, Kleshch-E-vak, trên 90%, cao nhất là 98,9%. Bên cạnh đó, mũi tiêm nhắc ba năm sau liều cơ bản có thể kéo dài hiệu quả.

Ngoài ra, Nga còn sản xuất loạt vaccine phục vụ nhu cầu nội địa như sởi, quai bị, rubella đơn và kết hợp ba bệnh trong một mũi tiêm; dại; ngừa bạch hầu - ho gà - uốn ván; lao; lậu; cúm bất hoạt tứ giá...

Vạn Phát

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom