Điện Biên: Thay đổi tư duy của người dân trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Cái khó “bó” cái khôn?

Ngay từ sáng sớm, chị Lò Thị Thủy, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) đã tất bật cho đàn lợn ăn. Công việc chăn nuôi tuy vất vả, bận rộn từ sáng đến tối, song với chị làm nhiều thành quen, giờ nếu không làm chị lại thấy khó chịu. Chị Thủy cho biết, trước kia gia đình chị cũng từng luẩn quẩn trong đói nghèo nhiều năm liền. Nhà 5 miệng ăn, cả năm chỉ trông vào hơn 1.000m2 ruộng. “Giật gấu vá vai” từ mùa này sang mùa khác. Điều khiến anh chị trăn trở nhất là mỗi lần con xin tiền đóng học phí mà không có. Nhiều lần vợ chồng tính toán phải làm gì đó, nhưng nghĩ đến việc không có tiền, anh chị lại thôi.


Thế rồi, cơ hội thoát nghèo cũng đến với gia đình chị. Là hội viên phụ nữ, chị Thủy được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, khi bàn với chồng, chị nhận được sự phản đối gay gắt với lý do: Vay rồi lấy gì trả? Nhiều lần sau đó, cán bộ xã, bản kiên trì đến nhà vận động. “Mưa dầm thấm lâu”, chồng chị Thủy cũng hiểu ra và quyết định vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế.


 
Dưới sự hướng dẫn của cán bộ địa phương, anh chị đầu tư nuôi lợn thịt. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay gia đình chị Thủy đã xây dựng được khu vực chăn nuôi với quy mô hơn 30 con lợn thịt, ao cá và hàng trăm con gia cầm các loại. Mô hình chăn nuôi của chị mỗi năm mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng.


“Tôi nghĩ, làm giàu thì có thể khó, nhưng thoát nghèo thì nếu quyết tâm là được. Bây giờ các chương trình hỗ trợ, vay vốn rất nhiều. Nếu có nghị lực, ý chí thì thoát nghèo không khó. Mình không biết thì học, tìm hiểu ở những mô hình chăn nuôi thành công, chịu khó nghe đài, đọc sách báo, tham gia các khóa học do xã, huyện tổ chức thì sẽ có kinh nghiệm hơn”, chị Thủy tâm sự.


Chia sẻ về những khó khăn ở quê hương mình, ông Lò Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Mường Tùng tâm sự: Công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương nhiều năm gặp khó cũng do tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa làm đã sợ hỏng, sợ vay mượn không trả được. Hoặc nghèo về tư duy làm ăn, vay tiền rồi không biết đầu tư vào việc gì… của người dân. Một số chương trình, dự án đầu tư về địa phương, hỗ trợ toàn bộ giống, kỹ thuật song nhiều người không mặn mà cũng bởi tâm lý này.


 
Thế nhưng, sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã xuất hiện nhiều mô hình, điểm sáng. Câu hỏi “liệu cái khó có bó cái khôn?” đã được trả lời bằng việc hàng nghìn hộ nghèo tự tin bước ra khỏi danh sách hộ nghèo mỗi năm. Cùng với lý lẽ này và thực tế thấy rằng, rõ ràng ý thức của người nghèo có ý nghĩa quyết định đến công tác giảm nghèo. Bởi trên thực tế, hiện nay Đảng, Nhà nước và địa phương đã và đang triển khai rất nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, với quyết tâm “cả nước chung tay vì người nghèo”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.


Khơi thông tư duy


Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên được Trung ương giao tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 2.063 tỷ đồng. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Từ cấp tỉnh, đến huyện, xã đều thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm tới từng thành viên.


Xác định rõ yếu tố “then chốt”, lợi thế của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành riêng một kế hoạch truyền thông về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, chú trọng truyền thông cho nhóm đối tượng hưởng lợi từ chương trình như: Người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.


 
 
Bên cạnh giúp người dân tiếp cận, hiểu hơn về các chương trình, mục tiêu hỗ trợ giảm nghèo cụ thể, các địa phương trong tỉnh đã hướng mạnh vào tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; tập trung đầu tư vào con người, nâng cao năng lực phát triển của người dân; vận động người dân vùng khó khăn, biên giới hiểu rõ về trách nhiệm của bản thân trong công cuộc giảm nghèo; nhân rộng các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.


Cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh đã giảm rõ rệt. Đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 25,68% (giảm 4,6% so với năm 2022), đạt hơn 116% so với kế hoạch. Trong đó, tại các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,73% so với năm 2022, đạt hơn 122% kế hoạch. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.


Trong cả giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên phấn đấu mỗi năm giảm từ 4% trở lên tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; trong đó, các huyện nghèo giảm trung bình từ 5,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 5% trở lên. Năm 2025, phấn đấu tỉnh có 2 huyện thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 18,9%.


Bài và ảnh: THÙY BIÊN


*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom