Dị vật kẹt trong mũi bé trai gần một tháng

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
TP HCMBé Bảo, 4 tuổi, quấy khóc, đau nhức chảy máu mũi, khó ngủ khoảng một tháng, bác sĩ nội soi phát hiện dị vật kẹt trong mũi gây tổn thương.


Trước đó, gia đình cho bé đi khám nhiều lần không tìm ra nguyên nhân. Gần đây, mũi bé Bảo đau nhức nặng, chảy máu, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra. Kết quả nội soi mũi cho thấy hốc mũi tụ mủ nhiều, nhiễm trùng. Bác sĩ nghi ngờ có một khối cứng bên trong mũi, xung quanh có mủ xanh, niêm mạc mũi phù nề, chảy máu.

Ngày 1/6, ThS.BS.CKI Nguyễn Minh Tú, Trung tâm Tai Mũi Họng, cho biết dị vật kẹt sâu bên trong mũi một thời gian dài. Bệnh nhi còn nhỏ quấy khóc, không hợp tác nên bác sĩ chỉ định lấy dị vật mũi có gây mê.

ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, phẫu thuật nội soi phát hiện rất nhiều mủ hôi ứ đọng, lấy ra một mảnh nylon cứng xếp thành nhiều lớp. Niêm mạc mũi của bé bị trầy xước, loét niêm mạc vách ngăn mũi và dưới.



Bác sĩ Thúy Hằng(trái) trong một ca phẫu thuật. Ảnh: Uyên Trinh


"Mảnh nylon này có thể từ bao bì đồ chơi hoặc màng bao nhựa bọc đồ dùng sinh hoạt hàng ngày", bác sĩ Hằng nói, thêm rằng may mắn dị vật chưa gây ra những biến chứng quá nghiêm trọng như khó thở, tổn thương đường hô hấp. Dị vật nằm quá sâu, khi nội soi trẻ quấy khóc, hoảng sợ nên có thể các bác sĩ khám trước đây không phát hiện được.

Do dị vật kẹt lâu trong mũi, bé Bảo bị nhiễm trùng, bạch cầu tăng 15 K/uL gấp đôi so với bình thường (khoảng 4-8 K/uL). Sau phẫu thuật, bé nằm viện hai ngày để bác sĩ theo dõi và điều trị kháng sinh. Về nhà, bé tiếp tục được rửa mũi bằng nước muối sinh lý đều đặn, tái khám sau một tuần nếu mũi còn đau, chảy dịch mùi hôi.

khuyến nghị phụ huynh chú ý các dấu hiệu bất thường ở trẻ, phát hiện và xử trí dị vật sớm giúp trẻ giảm đau, tránh tổn thương. Dị vật ở mũi có thể rơi vào hốc mũi hay di chuyển sâu hơn vào thanh khí phế quản gây khó thở, viêm phổi kéo dài.

Nếu nghi ngờ trẻ nhét dị vật vào mũi, người lớn không nên la mắng khiến bé hoảng sợ, khóc thét. Cũng không cố lấy dị vật ra ngoài bằng tăm bông, các dụng cụ khác vì dễ đẩy chúng vào sâu bên trong. Không cho trẻ hít thở mạnh, nên hỉ mũi nhẹ nhàng để dị vật có thể rơi ra hoặc đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ xử lý.

Uyên Trinh

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng để bác sĩ giải đáp

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom