Đề xuất luật hóa quy định khám sức khỏe tiền hôn nhân

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Bộ Y tế đề xuất quy định nội dung tư vấn, khám sức khỏe, hướng dẫn phòng ngừa, phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến mang thai, sinh đẻ, để kịp thời điều trị .


Bộ Y tế đang lấy ý kiến cơ quan, tổ chức để xây dựng dự án Luật Dân số. Bộ đề xuất 6 nhóm chính sách lớn gồm duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân cư hợp lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và lồng ghép yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Nhóm chính sách về nguồn nhân lực thiết kế các nội dung nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ. Nam, nữ trước khi kết hôn, người muốn sinh con sẽ được cung cấp thông tin, tư vấn, khám sức khỏe trên nguyên tắc tự nguyện. Dự luật quy định nội dung tư vấn, khám sức khỏe, hướng dẫn phòng ngừa, phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến mang thai, sinh đẻ, nuôi con để kịp thời điều trị.

Những người thuộc diện chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo thực hiện dịch vụ này được hỗ trợ chi phí y tế cơ bản. Cơ quan quản lý nhà nước về y tế, dân số có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nam, nữ tham gia tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Bộ Y tế thống nhất quản lý chuyên môn và chất lượng dịch vụ, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản về chăm sóc sức khỏe trước khi kết hôn.

Để phù hợp với thực tiễn, ban soạn thảo cũng đề xuất diện áp dụng quy định nêu trên gồm cả cha, mẹ đơn thân, các cặp vợ chồng muốn sinh lại con sau khoảng thời gian dài. Họ sẽ được tư vấn hướng dẫn phòng tránh vô sinh; được tầm soát, chẩn đoán, điều trị vô sinh nếu có nhu cầu.

Dự luật bổ sung các trường hợp bắt buộc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh. Đó là: Người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; người có nguy cơ cao sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh (như phụ nữ từ 35 tuổi); phụ nữ tiền sử có con bị bệnh, tật bẩm sinh, có tiền sử gia đình người mẹ hoặc chồng đã xác định bị bệnh, tật bẩm sinh; vợ chồng cận huyết thống; người có tiền sử tiếp xúc với các hóa chất độc hại, sử dụng thuốc độc hại cho thai nhi hoặc tiếp xúc thường xuyên với môi trường độc hại.



Bác sĩ tư vấn cho người dân trước khi sinh sản tại một bệnh viện tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phong


Theo Bộ Y tế, bổ sung quy định về khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm thể chế hóa nghị quyết của Đảng về công tác dân số. Việc này cũng giúp phòng ngừa, phát hiện các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, mang thai, đảm bảo hôn nhân bền vững, nâng cao chất lượng dân số.

Phòng ngừa từ sớm, tránh sinh ra con bị dị tật sẽ giảm gánh nặng chi phí của Nhà nước, gia đình và xã hội trong điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, Nhà nước phải bảo đảm nguồn ngân sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển, mở rộng mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023, bác sĩ Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nay là Thứ trưởng Y tế) cho rằng khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp biết trước về khả năng sinh sản của người chồng hoặc vợ. Căn cứ trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn cho họ giải pháp góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. "Tôi đã chứng kiến nhiều gia đình sinh con bị dị tật và chăm sóc suốt mấy chục năm, rất đáng thương, nhưng cũng là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội", bác sĩ Thức trả lời VnExpress tháng 11/2023.

Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2003, sửa đổi năm 2008. Qua 20 năm thực hiện, Pháp lệnh bộc lộ những hạn chế. Nhiều nội dung chưa phù hợp khi thể chế hóa quan điểm của Đảng chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh chưa giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số; thiếu quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm và cơ chế thực hiện của các chủ thể.

Bộ Y tế dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Dân số vào kỳ họp thứ 10 năm 2025 và thông qua tại kỳ họp thứ 11 năm 2026.


Sơn Hà

 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom