Đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật cấp trung (lữ) đoàn: Lần đầu tiên diễn tập theo chức danh, tổ chức biên chế mới

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Diễn tập liên thông giữa các cấp, các ngành

Với đề mục “trung đoàn, sư đoàn bộ binh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tiến công vào khu vực địch phòng ngự”, cuộc diễn tập vận dụng phương pháp công tác tham mưu song song, các khung diễn tập đồng thời, tổ chức diễn tập liên thông giữa cấp sư đoàn và trung đoàn; lấy phương pháp đạo diễn theo người tập là chủ yếu kết hợp với người tập theo đạo diễn. Đây là cuộc diễn tập có nhiều nội dung mới, sát với thực tế sáp nhập cơ quan HC-KT.


Thiếu tướng, PGS, TS Phan Tùng Sơn, Giám đốc HVHC, cho biết: Tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật và một số đơn vị qua cuộc diễn tập trước, HVHC đã kiện toàn tổ chức sở chỉ huy các cấp từ sư đoàn xuống trung đoàn với đầy đủ các cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở tổ chức diễn tập đồng thời cả nội dung quân sự, chính trị và HC-KT, Học viện đã chủ trương xây dựng một khung sư đoàn bộ binh, 3 khung trung đoàn gồm đầy đủ các cơ quan tham mưu, chính trị, HC-KT và các binh chủng, ngành. Đặc biệt, theo tưởng định của đầu bài, cơ quan hậu cần và cơ quan kỹ thuật đã được sáp nhập thành cơ quan HC-KT ở các cấp.


 
Theo dõi cuộc diễn tập, chúng tôi nhận thấy HVHC đã tổ chức tốt diễn tập liên thông đồng thời 2 cấp trung đoàn và sư đoàn. Trên cơ sở các yếu tố đầu bài, cấp sư đoàn xây dựng chỉ lệnh, hướng dẫn xuống các đơn vị cấp dưới theo ngành dọc. Đây chính là đầu bài để khung tập cấp trung đoàn xây dựng văn kiện, tổ chức triển khai các mặt công tác. Đồng thời, trong cùng một cấp, các cơ quan phải có sự phối hợp, cung cấp nội dung cho nhau và nhận các nội dung từ chỉ huy để triển khai công việc. Với phương pháp tổ chức chỉ đạo, điều hành diễn tập như trên, đòi hỏi người tập phải linh hoạt, sáng tạo, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, có phương pháp khoa học, thu thập thông tin từ các “kênh” để làm văn kiện và ra các quyết định chỉ huy, tham mưu, bảo đảm ngành; biết cách theo dõi, giúp đỡ, cung cấp nội dung cho cấp dưới làm văn kiện chiến đấu.


Các tình huống sát với thực tế đơn vị


Đại tá Đỗ Xuân Phúc, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 (Quân khu 2) tham gia đạo diễn diễn tập, đánh giá: HVHC đã triển khai xây dựng kế hoạch cấp phát tình huống cụ thể đối với từng cấp trung đoàn, sư đoàn. Các tình huống được cung cấp đến từng chức danh, từng vai tập phù hợp với chuyên môn được đảm nhiệm. Bên cạnh đó, các nội dung, tình huống chỉ được cung cấp từng bước theo trình tự thời gian phù hợp với tiến trình chiến đấu và sát với thực tế đơn vị. Việc này đòi hỏi từng cán bộ, học viên phải nắm chắc chuyên môn, chức trách, từ đó tham mưu với người chỉ huy xây dựng văn kiện và đưa ra các quyết định phù hợp. Đặc biệt, trong giai đoạn thực hành chiến đấu, HVHC đã xây dựng các tình huống liên tiếp; có nhiều tình huống ngoài dự kiến buộc người chỉ huy phải nhìn nhận, đánh giá, điều chỉnh quyết tâm hoặc xây dựng quyết tâm mới. Bên cạnh việc phát huy tính chủ động, sáng tạo của các khung tập, Ban chỉ đạo đã tổ chức thống nhất nội dung, phương pháp xử trí tình huống cho lực lượng đạo diễn, phái viên Ban chỉ đạo để kịp thời định hướng, hướng dẫn các khung theo đúng ý định.


Để diễn tập sát với thực tế đơn vị và thực tiễn chiến đấu, HVHC chủ trương điều chỉnh lực lượng cán bộ tham gia diễn tập trong từng giai đoạn và từng nội dung huấn luyện bằng cách ra các quyết định để điều chỉnh chức danh diễn tập phù hợp với quy trình bổ nhiệm cán bộ; đưa các đồng chí cấp phó thay thế cấp trưởng, các đồng chí dự bị thay thế các đồng chí chính thức. Từ đó rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, tạo điều kiện cho nhiều đồng chí có cơ hội thực hành, góp phần nâng cao năng lực, phương pháp tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên.


 
Phối hợp chặt chẽ nhà trường với đơn vị


Thực hiện phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, HVHC đã mời chỉ huy, các cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật và chỉ huy một số đơn vị thuộc Quân khu 1, Quân khu 2 tham gia diễn tập. Đây chính là cách để diễn tập sát thực tế, là điều kiện để học viên đào tạo ngắn chủ nhiệm HC-KT cấp trung (lữ) đoàn nhìn nhận, so sánh giữa huấn luyện tại Học viện và thực tế đơn vị, từ đó rút kinh nghiệm và vận dụng sáng tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi tốt nghiệp.


Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng, PGS, TS Trịnh Bá Chinh, Phó giám đốc HVHC, cho biết: Học viện đã phối hợp với Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật xây dựng hệ thống đầu bài, đáp án, tích hợp nội dung HC-KT; biên chế các chức danh: Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm HC-KT (kiêm bí thư), phó chủ nhiệm HC-KT (phụ trách kỹ thuật); trợ lý tham mưu kế hoạch, quân nhu, xe máy, vận tải, xăng dầu, doanh trại, quân khí; tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn quân y, vận tải; đại đội trưởng đại đội kho kỹ thuật... và luân phiên, đổi vai sau mỗi giai đoạn. Bên cạnh đó, Học viện đã chủ động điều chỉnh, xây dựng mẫu biểu văn kiện HC-KT phù hợp với điều kiện huấn luyện của Học viện.


Theo Đại tá, PGS, TS Vũ Hồng Hà, Trưởng phòng Đào tạo HVHC: Nội dung đáng chú ý trong cuộc diễn tập lần này là Học viện đã bổ sung, hoàn thiện những vấn đề lý luận mới về tổ chức và triển khai hoạt động của hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ trong khai thác nhân lực, vật lực để bảo đảm cho chiến đấu. Trong đó, hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ được tổ chức ở cả giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn thực hành chiến đấu. Giai đoạn chuẩn bị chiến đấu, tại khu vực tập kết chiến đấu, tổ chức hoạt động của hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ cấp huyện để thống nhất nội dung, phương thức huy động và chi viện cho sư đoàn chiến đấu; tổ chức bàn giao vật chất huy động cho các đơn vị chiến đấu trên địa bàn... Bên cạnh đó, tại khu vực triển khai chiến đấu, các ban hậu cần nhân dân cấp xã sẽ tham gia hội nghị hiệp đồng HC-KT của từng trung đoàn trên địa bàn chiến đấu để phối hợp, chi viện cho trung đoàn chiến đấu...


Điểm nhấn của cuộc diễn tập này là HVHC đã triển khai hệ thống camera kết nối tất cả khung diễn tập về sở chỉ huy diễn tập qua hệ thống mạng nội bộ. Qua đó, giúp Ban chỉ đạo diễn tập theo dõi, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành trực tiếp đến từng vai tập; nắm được tiến trình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng bộ phận, cá nhân. Thiếu tá Lê Minh Đạo, học viên đào tạo ngắn hạn chủ nhiệm HC-KT cấp trung (lữ) đoàn (Lớp B153D, khóa 53) cho biết: “Tùy vào kết quả của người tập trong từng thời điểm, Ban chỉ đạo diễn tập đưa ra các tình huống phụ, đưa người tập vào những hoàn cảnh cụ thể, đòi hỏi các khung tập phải linh hoạt, sáng tạo trong xử trí, phải hoạt động với cường độ cao, nâng cao kỹ năng thực hành. Đặc biệt, thông qua diễn tập, chúng tôi tham gia xây dựng hệ thống văn kiện rất lớn; nắm được trình tự công tác tham mưu tác chiến, phương pháp nhận và phát lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; chuẩn bị nội dung và thực hành phổ biến nhiệm vụ, chỉ thị cho cơ quan, phân đội HC-KT; rèn luyện phương pháp, động tác báo cáo đề đạt...”.


Thiếu tướng, PGS, TS Phan Tùng Sơn nhấn mạnh: Qua cuộc diễn tập lần này, HVHC đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo cán bộ HC-KT, đề nghị Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống mẫu biểu văn kiện HC-KT cấp chiến thuật để tạo được sự thống nhất trong huấn luyện tại nhà trường và đơn vị. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, hướng dẫn thống nhất về cơ chế phối hợp hoạt động giữa HC-KT các đơn vị cấp chiến thuật với hậu cần khu vực phòng thủ nhằm thuận tiện trong tổ chức điều hành diễn tập ở nhà trường cũng như các đơn vị trong toàn quân.










 
Bài và ảnh: SƠN BÌNH


*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom