Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí: Lễ hội Vì hoà bình hướng đến sự hồi sinh

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
LAN TỎA THÔNG ĐIỆP VỀ MỘT VIỆT NAM YÊU CHUỘNG HÒA BÌNH

Phóng viên: Chỉ còn ít giờ nữa đến khai mạc Lễ hội Vì hoà bình, cảm xúc của ông lúc này thế nào? Công tác chuẩn bị cho lễ khai mạc đã hoàn tất, mọi thứ đã sẵn sàng?

Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí: Tôi và ê-kíp vô cùng vinh dự và tự hào khi triển khai chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc. Đây là Lễ hội Vì hoà bình lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung.

Lần đầu tiên được tổ chức trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng, Lễ hội Vì Hòa bình có ý nghĩa to lớn không chỉ với người dân Việt Nam mà cả với bạn bè quốc tế tham dự đêm khai mạc tối nay, trong đó có cả các Đại sứ, đại diện cơ quan ngoại giao. Họ sẽ hiểu giá trị hòa bình lớn lao như thế nào và cách của người Việt Nam đã mang lại sự gắn kết với hòa bình thế giới ra sao.

Đây là show diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam thực hiện đầy đủ tất cả các không gian tại nơi biểu diễn, gồm không gian trên bờ, trên cây cầu Hiền Lương lịch sử, dưới dòng sông Bến Hải và trên bầu trời. Drone không chỉ bay để trình diễn mà còn bay kết hợp với tiết mục biểu diễn, nên đây là show thực cảnh duy nhất hiện nay thực hiện được tất cả các điều này.

Đến thời điểm này chúng tôi đã hoàn tất 99%, chỉ còn 1% kết nối tín hiệu với xe màu để đồng bộ kết nối. Chúng tôi sử dụng 11 máy quay, các thiết bị bay ghi hình và gần 1.000 drone. Các khâu cuối cùng cho chương trình trước đêm nay đang được cấp tập triển khai.

Phóng viên: Trên mảnh đất chứng kiến sự thảm khốc của chiến tranh với biết bao chiến sĩ đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, lần đầu tiên, Quảng Trị tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình. Khi nhận nhiệm vụ này, ông mất bao lâu để xây dựng và triển khai ý tưởng, cũng như đầu tư tâm huyết cho kịch bản chương trình?

Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí: Tôi gắn bó với Quảng Trị từ cách đây 2 năm khi thực hiện show diễn thực cảnh Khát vọng Hòa Bình bên bờ sông Thạch Hãn. Đến năm 2023, tôi được mời làm cố vấn nghệ thuật của Lễ hội Vì Hòa Bình và là người đưa ra chiến lược và tầm nhìn của lễ hội, đặc biệt với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”.

Với góc nhìn xa hơn của lễ hội thông thường, đây không phải là lễ hội của sự giải trí đơn giản mà chứa đựng câu chuyện dài rộng, liên quan đến cả lịch sử, giá trị vùng đất cũng như cơ hội, tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội cho vùng đất, để thực hiện công tác tư vấn về nghệ thuật, ê-kíp làm việc với UBND tỉnh trong suốt năm 2023.

Chúng tôi có thời gian khoảng nửa năm báo cáo các cơ quan và thực hiện các ý tưởng. Đây sẽ là một lễ khai mạc rất khác, không có nỗi đau, không có sự mất mát; có ở đấy sự hy sinh nhưng không có bất kỳ kẻ thù nào hiện lên.

Chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp của người Việt: Chúng ta yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng vì Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh tuổi xuân hoa lửa vì độc lập, tự do nhưng không phải chúng ta mãi mãi trao đổi và nhìn nhận góc độ như kẻ thù. Chúng ta khép lại quá khứ, nói với bạn bè quốc tế có mặt hôm nay, những người Việt Nam yêu chuộng hòa bình và mong muốn tất cả mọi người cùng hiểu giá trị của hòa bình lớn lao thế nào.


Tổng đạo diễn chương trình Đặng Lê Minh Trí tổng duyệt cùng ca sĩ Tùng Dương trước giờ khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình 2024. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

SHOW DIỄN THỰC CẢNH ĐẦU TIÊN CÓ ĐA ĐIỂM CHẠM

Phóng viên: Chúng ta đã có nhiều chương trình nghệ thuật mang thông điệp hòa bình được triển khai, nhưng lần đầu tiên Quảng Trị tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình. Đâu là điểm mới sáng tạo mà ông mang đến chương trình lần này, để không “lặp lại” chính mình, hoặc lặp lại những đạo diễn âm nhạc khác?

Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí: Đây là show diễn thực cảnh đầu tiên có đa điểm chạm. Khán giả không chỉ xem một góc nhìn mà được tôi đưa vào câu chuyện để khán giả cảm nhận tất cả các điểm diễn khác nhau, hòa mình vào câu chuyện diễn.

Điểm đặc sắc thứ 2, các tác phẩm âm nhạc, có tác phẩm vô cùng quen thuộc được dàn dựng, phối khí hoàn toàn mới, đặt vào đó tâm huyết của ê-kíp. Trong đó ca khúc “Tự nguyện” không giống cảm xúc đã từng nghe, mà trong đó có cả sự chiến đấu, sự hy sinh, thấy xúc cảm sâu thẳm trong mỗi con người Việt Nam sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do dân tộc.

Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm âm nhạc quốc tế có giá trị về hòa bình được hòa quyện trong không gian sông Bến Hải từ bắc đến nam, khiến khán giả cảm nhận cây cầu Hiền Lương đang gắn kết những nhịp thời gian, gắn kết bạn bè bốn phương.

Ngay chính cây cầu này không chỉ có phần biểu diễn nghệ thuật mà còn trình diễn thời trang Việt Nam và quốc tế. Cùng lúc đó, dưới dòng sông, đoàn thuyền sẽ tạo ra dòng chảy lịch sử, cũng như cảm nhận không gian Quảng Trị tươi mới trong cảm nhận bạn bè bốn phương.

Chương trình có khoảng gần 1.000 diễn viên tham gia, bao gồm khối chuyên nghiệp và không chuyên. Đặc biệt, trong lực lượng không chuyên có nhiều chiến sĩ, dân quân tự vệ, các em học sinh cấp 3, các em thiếu nhi của tỉnh Quảng Trị. Mọi người đến với chương trình với tình yêu mảnh đất. Họ phải tham gia thời gian dài tập luyện, vất vả nhưng họ cùng chúng tôi làm việc rất nhiệt huyết.

Chúng tôi được UBND tỉnh Quảng Trị; ban, ngành chức năng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao hỗ trợ công tác tổ chức. Sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo khiến chúng tôi vô cùng hạnh phúc.

Phóng viên: Việc xây dựng sân khấu âm nhạc thực cảnh đòi hỏi sự đầu tư lớn cả về ý tưởng và nhân sự, cũng như truyền tải được thông điệp của mảnh đất, con người Quảng Trị. Điều này ông đã hiện thực hóa trong chương trình nghệ thuật như thế nào.

Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí: Chúng tôi phải chắt chiu lựa chọn khá nhiều điều để trong thời gian truyền hình trực tiếp, trong câu chuyện kể có thông điệp đưa tất cả các giá trị về ý nghĩa, bao gồm câu chuyện lịch sử, giá trị con người Việt Nam.


Chúng tôi đã phải chia toàn bộ chương trình thành 3 phần lớn. Mỗi một phần, chúng tôi đặt một nội hàm nhất định. Trong đó có phần diễn kể chuyện từ ngàn xưa, từ thời đại Thánh Gióng thắng giặc ngoại xâm, cởi giáp bay về trời, với ý niệm rũ bỏ chiến tranh, tìm kiếm hòa bình; đến câu chuyện Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần, giã từ chiến tranh. Đến thời đại Hồ Chí Minh, với thông điệp về Tuyên ngôn độc lập cũng vì hòa bình.

Điều này, chúng tôi đặt để trong lõi chính của chương trình, với phần phóng sự có tiếng của thế giới, của con người Việt Nam đang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới; có góc nhìn của bạn bè thế giới của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng giám đốc UNESCO để không chỉ khán giả tại Quảng Trị nói riêng và khán giả Việt Nam nói chung và các Đại sứ đến tham dự chương trình đều cảm thấy Quảng Trị kéo gần tất cả mọi người.

Trong đó, lõi vấn đề, vùng đất này chịu nhiều đau thương chiến tranh, vùng đất này khi kết thúc chiến tranh mọi thứ được hồi sinh. Nhưng mọi người phải nhìn và hiểu chiến tranh mang lại mất mát, đau đớn; giá như không có chiến tranh thì sẽ đẹp biết bao nhiêu.

Những điểm khác biệt, riêng có được gói ghém hài hòa, không có mục đích lấy nước mắt của bất kỳ người nào, mà chỉ đơn thuần để họ hiểu, giá trị của hòa bình lớn lao đến thế nào ngay tại không gian nơi chứng kiến nhiều đau thương chiến tranh.

MỘT LỄ HỘI KHÔNG CÓ BẾ MẠC

Phóng viên: Thông điệp của Lễ hội là Quảng Trị không chỉ là một địa danh gắn liền với chiến tranh khốc liệt mà hôm nay đã trở thành một biểu tượng của hòa bình, nơi vang lên tiếng chuông khát vọng hòa bình không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới, điều ấy được ông và ê-kíp gửi gắm như thế nào thông qua chương trình nghệ thuật được đầu tư quy mô?


Quang cảnh khu vực sân khấu chính trước giờ khai mạc. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí: Trong thời gian xây dựng kịch bản, chúng tôi xác định Lễ hội Vì Hòa bình là lễ hội không có ngày bế mạc vì nếu hòa bình bế mạc thì chiến tranh và đau thương xảy ra. Nên từ khi khai mạc, với các chương trình khác được nối kết tạo thành mạch chảy liên tục.

Đây không chỉ đơn giản là chương trình nghệ thuật, đạp xe, triển lãm… mà là chuỗi các chương trình có các điểm chạm gắn kết với mong muốn đến năm 2025, chúng ta lại có hoạt động nghệ thuật kết nối nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam, họ mang thông điệp và chia sẻ thông điệp về hòa bình.

Tiếp theo, chúng ta sẽ có những điểm chạm lớn hơn tới bạn bè quốc tế, cùng chúng ta nói tiếng hòa bình, Quảng Trị là mảnh đất hồi sinh.

Phóng viên: Là một người trẻ, trải qua nhiều tháng gắn bó với mảnh đất Quảng Trị để triển khai chương trình, ông cảm nhận được gì về những hy sinh, mất mát trên mảnh đất này và những khao khát hòa bình mà người dân nơi đây vươn tới?. Ông mong muốn mình mang được điều gì tới cho người dân nơi đây thông qua 1 chuỗi các chương trình nghệ thuật tại Quảng Trị dịp 27/7 này?

Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí: Ông ngoại tôi là người chiến đấu và hy sinh tại Quảng Trị. Nhưng đến nay, gia đình chúng tôi không thể tìm được phần mộ. Đây là điều đau đáu của gia đình chúng tôi nhiều năm qua. Đồng đội của ông khi trở về chỉ nhớ bụi cây chôn đồng đội. Tâm nguyện cuối đời của bà ngoại là muốn tìm được mộ ông.

Trong khi sắp xếp lại những kỷ vật của bà ngày khuất núi, tôi xúc động khi đọc được bức thư từ chiến trường của ông ngoại.

Chúng tôi là người trẻ, sinh ra khi thời bình, không hiểu và cảm nhận đau thương chiến tranh, cảm nhận qua tình cảm của gia đình, cảm nhận qua dòng thư của ông gửi lại cho gia đình, chúng tôi hiểu được tuổi xuân hoa lửa, tình yêu vô cùng đẹp nhưng gửi lại để chiến đấu.

Đây là cảm hứng lớn nhất tôi gắn bó với mảnh đất này, mong muốn tìm kiếm những điều có thể cống hiến cho nơi này, không chỉ với tình cảm cá nhân gia đình tôi, mà còn của nhiều gia đình khác. Họ về đây không chỉ gửi nén tâm nhang mà còn hạnh phúc nhìn vùng đất nở hoa trên những chiến lũy, trên những điều chiến tranh đã hằn sâu nơi đây, những con người Quảng Trị mạnh mẽ, cùng đất nước Việt Nam phát triển.

Phóng viên: Ông muốn gửi gắm thông điệp gì qua chương trình này?

Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí: Tôi có tư vấn với tỉnh Quảng Trị, muốn đưa mỗi người dân Quảng Trị thành đại sứ vì hòa bình. Mỗi người dân Việt Nam trở thành đại sứ, chúng ta sống, chia sẻ và mang lại giá trị cho tất cả mọi người rất khác.

Chúng ta đón chào mọi người bằng nụ cười, hạnh phúc nói với họ mảnh đất của chúng ta có giá trị thẳm sâu thế nào và nay cùng chung tay thế nào. Điều chúng tôi muốn truyền tải thông điệp là mảnh đất Quảng Trị vô cùng tuyệt vời và mỗi người dân đều có thể trở thành đại sứ vì hòa bình.

Xin cảm ơn đạo diễn Đặng Lê Minh Trí!


Vào lúc 20 giờ tối nay (6/7), Lễ hội Vì Hòa bình 2024 sẽ chính thức khai mạc bằng một chương trình nghệ thuật đặc sắc được tổ chức tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, với chủ đề "Gắn kết những nhịp cầu".

Chương trình có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong nước và quốc tế; với một sân khấu âm nhạc, thực cảnh kết hợp đa không gian trên bờ và dưới sông, kết nối trục bắc-nam của cầu Hiền Lương lịch sử bắc qua sông Bến Hải. Ý tưởng nghệ thuật của chương trình là những điểm chạm cảm xúc kết nối quá khứ và tương lai, chuyên chở tinh thần chủ động hội nhập của Quảng Trị.


Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom