Khai tại tòa, chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun trần tình nếu không đưa hối lộ sẽ bị gây khó khăn trong cấp phép chuyến bay giải cứu: “Cứ ngày mai bay thì hôm trước doanh nghiệp mới được thông báo”.
Hai cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: NAM ANH
Sau gần một ngày tòa dành thời gian để viện kiểm sát công bố bản cáo trạng dài hơn trăm trang, khoảng 16h30 hội đồng xét xử phiên tòa
chuyến bay giải cứu bắt đầu thẩm vấn các bị cáo.
Hội đồng xét xử cách ly các bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu cục trưởng
Cục Lãnh sự), Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng thuộc Cơ quan an ninh điều tra) và Trần Minh Tuấn (giám đốc Công ty CP xây dựng Thái Hòa).
Doanh nghiệp trong chuyến bay giải cứu bị hành đến khó khăn cùng cực
Bị cáo Đào Minh Dương (chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) được thẩm vấn đầu tiên. Trong suốt quá trình xét hỏi, bị cáo nhiều lần khẳng định nếu không đưa tiền "bôi trơn" thì sẽ bị gây khó khăn trong xin cấp phép
chuyến bay giải cứu.
Ông Dương cho biết xin cấp phép được 17 chuyến bay và đã tổ chức được 22 chuyến bay giải cứu, do có chuyến bay nhỏ phải tách làm hai chuyến.
Theo lời khai của ông Dương, thời gian đầu nộp hồ sơ cấp phép tại Cục Lãnh sự
Bộ Ngoại giao, nhiều lần cục trưởng là bà Nguyễn Thị Hương Lan yêu cầu phải chi tiền. Do không đưa tiền nên doanh nghiệp của ông Dương thường xuyên bị gây khó.
Bị cáo Đào Minh Dương trả lời xét hỏi tại phiên tòa xử vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: DANH TRỌNG
"Bị cáo nhiều lần bị gây khó khăn. Nhiều lần bà Lan yêu cầu đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên bị gây khó bằng cách ngày mai bay thì hôm trước mới được thông báo. Bị cáo bị đưa vào tình thế khó khăn cùng cực. Để tổ chức chuyến bay thì phải đặt cọc thuê tàu bay, 6-9 tỉ một chuyến bay. Cục Lãnh sự và cán bộ thuộc
Bộ Giao thông vận tải cứ ngày mai bay thì hôm trước mới thông báo.
Người dân ở nước ngoài muốn về nước phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, nhưng ngày mai bay thì hôm trước mới thông báo thì họ không xoay xở kịp. Bị cáo thấy trong giai đoạn ấy Cục Lãnh sự không phải bảo hộ công dân mà hành dân", ông Dương khai tại tòa.
"Tại Bộ Y tế, anh Kiên mắng các doanh nghiệp yêu cầu phải chi 150 triệu một chuyến bay"
Tiếp tục khai tại tòa, ông Dương cho biết bị ép phải đưa tiền "bôi trơn" cho cán bộ thuộc Bộ Y tế và Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
Ông Dương khai: bị cáo đến gặp anh
Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế) và được yêu cầu muốn tổ chức chuyến bay phải "bôi trơn" 150 triệu một chuyến. Nếu không đưa tiền sẽ không được phê duyệt chuyến bay giải cứu.