Chung tay bảo vệ trẻ em

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh Bình Phước, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn đuối nước có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Những con số đáng báo động

Theo ông Phùng Hiệp Quốc, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, từ năm 2023 đến nay, Bình Phước có 32 trẻ em bị đuối nước. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước, nhưng tập trung cơ bản vào những nguyên nhân sau: trẻ thiếu sự giám sát của người lớn; hạn chế về kiến thức an toàn trong môi trường nước và chưa ý thức được nguy hiểm; kỹ năng bơi lội yếu hoặc không biết bơi.

Khảo sát tại huyện Bù Ðăng, toàn huyện có khoảng 30.000 thanh, thiếu nhi, không nhiều trong số này đã có những kiến thức bơi căn bản, kỹ năng xử lý tình huống dưới nước. Nhiều vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra trên địa bàn huyện Bù Đăng, trong đó nguyên nhân chính là các em không biết bơi.


Nhiều sông, hồ ở Bình Phước nằm sát khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cho trẻ

Đơn cử như vụ đuối nước xảy ra hồi cuối tháng 3/2024 tại xã Thống Nhất khiến 2 anh em trong một gia đình thiệt mạng. Càng đau xót hơn khi 2 anh em bị tử vong trong hồ chứa nước tưới của ông nội.

Hay vụ đuối nước trên Sông Bé (thuộc địa phận ấp Tân Hai, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh) xảy ra vào dịp 30/4/2024 khiến 3 học sinh tử vong. Nguyên nhân vụ việc được cơ quan chức năng xác định là, các em chèo thuyền ra sông Bé để bắt ốc. Không may bị lật thuyền, các em không biết bơi nên đuối nước.


Bình Phước nhiều sông, hồ tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao.

Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực cũng diễn biến khá phức tạp. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 94 trẻ em bị bạo lực, xâm hại; trong đó, xâm hại tình dục trẻ em chiếm tỷ lệ đến 75%.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chính gia đình hoặc cộng đồng xã hội trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các em. Đối với bản thân trẻ, sự hạn chế trong nhận thức về các hình thức xâm hại tình dục, sự tò mò khám phá về giới tính, yêu sớm, thiếu kỹ năng phòng ngừa và tố giác người xâm hại. Đặc biệt, sự phát triển và sử dụng phổ biến mạng xã hội của trẻ em có tác động tiêu cực, lệch lạc đến nhận thức của trẻ em hiện nay...


Năm 2023 và 6 tháng năm 2024, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành 152 văn bản, tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành 34 văn bản để tập trung lãnh đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đại đa số trẻ em trên địa bàn tỉnh được gia đình và xã hội quan tâm chăm sóc trên mọi lĩnh vực như dinh dưỡng, y tế, giáo dục và thụ hưởng tiến bộ của xã hội.


Nhiều giải pháp căn cơ

Thực tế cho thấy, nhiều ao, hồ, sông, suối ở Bình Phước tiềm ẩn nguy hiểm, như không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm. Bên cạnh đó, các khu vui chơi an toàn cho trẻ em còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ, đặc biệt là khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, trẻ em phải chơi ở những khu vực sông, suối nơi mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cao.

Mặt khác, công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước chưa được quan tâm đúng mức, tính liên tục, hiệu quả chưa cao ở một số địa phương, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa.


Các em học sinh tham gia lớp học bơi hè do Tỉnh đoàn Bình Phước tổ chức.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, đặc thù của tỉnh nhiều sông, suối, ao, hồ, địa bàn rộng nên khó khăn trong công tác dạy bơi.

Vừa qua, tỉnh đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo thống kê tình trạng cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống đuối nước trong nhà trường. Qua đó, chỉ có 47 bể bơi di động và cố định trong số hơn 300 trường học trên địa bàn tỉnh, gần 70% giáo viên dạy giáo dục thể chất trong trường có thể dạy bơi nhưng thiếu cơ sở vật chất dạy bơi. Hiện nay, tỷ lệ học sinh biết bơi trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 10%.

Cũng theo đồng chí Trần Tuyết Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề án dạy bơi an toàn cho học sinh, dự kiến cuối tháng 10/2024 sẽ trình Chính phủ. Đây là căn cứ quan trọng để Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước có chỉ đạo thực hiện đề án dạy bơi cho học sinh, nhằm giảm thiểu tình trạng đuối nước đối với trẻ em.


Niềm vui của trẻ em khi được học bơi.

Còn theo ông Phùng Hiệp Quốc, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, ngành sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động tập huấn về phòng, chống xâm hại trẻ em cho cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế, công an; phối hợp các cơ quan liên quan định hướng sử dụng mạng xã hội để không phát tán thông tin xấu, độc đến trẻ em; tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em trên các trang mạng xã hội.


Ngoài việc các biện pháp của cơ quan chức năng, cha mẹ cần quan tâm, giáo dục con về cách bảo vệ bản thân khỏi hành vi xâm hại; dạy trẻ biết cách tin tưởng và chia sẻ với người lớn khi gặp nguy hiểm; đồng thời, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ.

Song song đó, các cơ quan chức năng: Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an, Y tế, Giáo dục và các tổ chức xã hội cần tăng cường sự phối hợp để cùng hành động, bảo đảm cho trẻ có môi trường sống an toàn.

Mặt khác, Bình Phước cũng tăng cường giám sát, kiểm tra nâng cao năng lực và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc điều tra xử lý các vụ xâm hại trẻ em; đưa ra xét xử nghiêm khắc các trường hợp xâm hại trẻ em để răn đe.

Việc phòng, chống trẻ em bị đuối nước và xâm hại trẻ em là trách nhiệm của các ngành, các cấp, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Vì vậy, chính quyền các cấp tổ chức các chương trình tuyên truyền, giáo dục an toàn cho trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát hành các tài liệu tuyên truyền về an toàn cho trẻ em; tổ chức các hội thảo, tập huấn về an toàn cho trẻ em; trang bị hồ bơi cho trẻ. Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em, thường xuyên có người lớn giám sát không để trẻ em một mình khi sinh hoạt, vui chơi.

Giáo dục trẻ nhận biết các nguy hiểm tiềm ẩn và kỹ năng xử lý tình huống khi vui chơi giải trí, cho trẻ tập bơi ngay từ nhỏ. Đối với nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn cho học sinh, trong đó bảo đảm 100% các em biết và thực hành kỹ năng bơi. Đối với cộng đồng, xây dựng các đội cứu hộ và sơ cấp cứu tại các khu vực bơi lội công cộng. Tại cấp huyện, 100% ao, hồ, sông, suối có nguy cơ đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em có lắp đặt cảnh báo…

Vì đàn em thân yêu

Nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em, Tỉnh đoàn Bình Phước đã tổ chức nhiều chuỗi hoạt động thú vị, bổ ích, nhất là học bơi. Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo hoạt động hè tỉnh Bình Phước Trần Hoàng Trực cho biết: Trong ba tháng hè, các cấp Ðoàn, Hội, Ðội trong tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho các em thiếu nhi, như: trao quà, học bổng, khám mắt miễn phí, rèn luyện kỹ năng phòng, chống đuối nước, phòng, chống xâm hại tình dục, tai nạn thương tích, an toàn giao thông.

Ðối với hệ thống trung tâm hoạt động thanh, thiếu nhi trong tỉnh, nhà thiếu nhi, phòng văn hóa-thông tin sẽ tăng cường các lớp năng khiếu, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.


Các em học sinh học kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.
Các cấp tổ chức 13 lớp với 39 khóa dạy bơi cho hơn 1.500 em thiếu nhi trong dịp hè, trong đó có 2 lớp dạy bơi miễn phí cho 75 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo hoạt động hè tỉnh Bình Phước Trần Hoàng Trực

Tại huyện tiếp giáp với vùng Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo hoạt động hè huyện Bù Ðăng đã triển khai đẩy mạnh phổ cập bơi cho thiếu nhi ở 16 xã, thị trấn trên địa bàn, nhằm trang bị cho các em kỹ năng bơi phòng, chống đuối nước.

Hồ bơi tư nhân Long Bông (xã Nghĩa Trung, huyện Bù Ðăng) là địa chỉ được đông đảo người dân đưa trẻ đến học bơi nhằm giúp các em rèn luyện các kỹ năng bơi, phòng đuối nước trong dịp hè.

Anh Nguyễn Văn Nguyên có con tham gia lớp học bơi miễn phí do Ðoàn xã Nghĩa Trung phối hợp các đơn vị tổ chức, chia sẻ: "Ðưa con đến hồ bơi, tôi mong muốn con học được các kỹ năng bơi lội, để nếu không may xảy ra chuyện ngoài ý muốn, con cũng có kỹ năng tự bảo vệ mình".


Trẻ em huyện Bù Đốp học bơi để phòng, chống đuối nước.

Chị Ðào Thị Quế, Bí thư Huyện đoàn Bù Ðăng, chia sẻ: Huyện đoàn Bù Ðăng đã tham mưu lãnh đạo huyện, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương mở lớp bơi miễn phí cho thiếu nhi, giúp các em biết bơi, phòng tránh tai nạn đuối nước. Các lớp phổ cập bơi được các bậc cha mẹ và thiếu nhi nhiệt tình hưởng ứng.

Hè năm 2024, Ban Chỉ đạo hoạt động hè tỉnh Bình Phước đã vận động và trao 60 áo phao tặng học sinh thị xã Phước Long nhằm góp phần giáo dục thiếu nhi bảo vệ bản thân phòng, chống đuối nước.

Cùng với đó, các đội hình thanh niên tình nguyện trên địa bàn triển khai các hoạt động kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao dẫn đến đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ.


Các bạn đoàn viên thanh niên cắm bảng cảnh báo nguy hiểm, đề phòng đuối nước.

Trong dịp hè 2024, toàn tỉnh Bình Phước đã tổ chức cắm bảng cảnh báo tại các khu vực ao, hồ, sông, suối, bờ kè nguy hiểm với 180 bảng/ 90 xã, phường, thị trấn, tổng trị giá hơn 30 triệu đồng. Đơn vị triển khai nhiều nhất là huyện biên giới Bù Đốp 30 biển/7 xã, thị trấn; Cuối năm 2023, thành phố Đồng Xoài cũng đã cắm 15 biển cảnh báo nguy hiểm tại 3 xã, phường.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom