Chủ trương của Chính phủ giúp củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, ổn định kỳ vọng lạm phát

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Phát biểu mở đầu, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, những tháng đầu năm, giá hàng hóa trên thị trường thế giới có nhiều biến động do tác động của nhiều yếu tố, kinh tế thế giới phục hồi chậm, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, giá cả hàng hóa thiết yếu (xăng dầu, vàng) biến động mạnh, tác động tới kinh tế nước ta. Giá hàng hóa, thị trường trong nước diễn biến theo kịch bản hàng năm, đầu năm tăng cao do vào dịp Tết nguyên đán, đến tháng 3 có xu hướng giảm và giữa năm ổn định, theo đúng quy luật. Ban Chỉ đạo đã có nhiều giải pháp, với tinh thần không chủ quan, lơ là.

Cuộc họp nhằm đánh giá tình hình giá cả, thị trường từ đầu năm đến nay và dự báo tình hình thời gian tới, trên cơ sở đó có giải pháp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Phó thủ tướng nhận định, với mức tăng CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm, các diễn biến thị trường đúng theo quy luật thì có thể kiểm soát tốt lạm phát.


 
10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng


Báo cáo của Bộ Tài chính – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cho thấy, bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.


Đáng chú ý, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,7% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,54 điểm phần trăm.


Ngược lại, chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông 5 tháng đầu năm 2024 giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.


Thông tin từ đại diện Bộ Công Thương cho thấy, Bộ luôn theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương tổ chức tốt công tác thông tin dự báo giá cả và đánh giá tình hình.


Giá xăng dầu luôn có sự biến động. Từ đầu năm đến tháng 4-2024, giá xăng dầu luôn tăng trưởng, nhưng tháng 5, 6-2024 có xu hướng giảm. Giá dầu thô giảm kéo theo giá hầu hết sản phẩm xăng dầu giảm. Giá xăng R92 - là mặt hàng tiêu dùng phổ biến – hiện đã về tiệm cận với mức giá cùng kỳ năm 2023. Tác động của các mặt hàng xăng dầu lên kinh tế vĩ mô là không đáng kể.


Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023. Bộ đang xây dựng thông tư hướng dẫn tính toán giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 05, đã đăng website và lấy ý kiến rộng rãi. Dự kiến thông tư được ban hành vào tháng 8-2024. Khi hai nội dung này được hoàn chỉnh, Bộ Công Thương sẽ có căn cứ để chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thiện phương án giá bán lẻ điện bình quân, trình Chính phủ.


Có thể gia tăng kỳ vọng lạm phát do cải cách tiền lương


Cụ thể, về giá dịch vụ giáo dục, học phí năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên được tiếp tục giữ ổn định như mức thu năm học 2021-2022, do đó trong năm 2024 cơ bản không tác động tới CPI chung. Với khối giáo dục đại học công lập và giáo dục nghề nghiệp, từ tháng 9-2024, học phí năm học 2024-2025 áp dụng theo mức trần tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP (so với năm học trước, mức trần học phí khối giáo dục đại học tăng bình quân 14%, khối giáo dục nghề nghiệp tăng bình quân 6%). Mặc dù mức trần học phí điều chỉnh tăng, nhưng mức tác động đến CPI thực tế phụ thuộc vào mức học phí cụ thể do các cơ sở giáo dục quyết định.


Việc điều chỉnh giá điện theo kiến nghị từ đầu năm của Bộ Công Thương để bảo đảm phản ánh biến động của các chi phí đầu vào của giá điện, đồng thời hiện tượng thời tiết cực đoan và dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian tới cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát. Khi chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm.


Một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2024 vẫn tiếp tục được áp dụng tương tự như năm 2023 như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, dự kiến giảm thuế VAT đối với một số hàng hóa, dịch vụ... góp phần giảm chi phí hình thành giá xăng dầu và các hàng hóa dịch vụ.


Chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong những năm qua sẽ giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.


TTXVN


*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom