Chiều sâu văn hóa làm nên khát vọng Tây Hồ - Bài 2: Định vị Tây Hồ trong dòng chảy văn hóa Thủ đô

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Cơ chế đột phá để khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa


Phóng viên (PV): Để thực hiện mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch - văn hóa của Thủ đô, thời gian qua, quận Tây Hồ đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai hiệu quả, xin đồng chí chia sẻ thêm về điều này?


Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến: Đúng vậy! Quận Tây Hồ đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về việc phát triển công nghiệp văn hóa.


 
Trong thời gian qua, quận Tây Hồ đã quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết và đề án như: Nghị quyết số 10 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Nâng cao chất lượng các hoạt động Văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn quận giai đoạn 2022-2025”; Đề án “Xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch trên địa bàn quận”; Kế hoạch số 288/KH-UBND ngày 9-8-2023 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2023-2025”; Kế hoạch số 289/KH-UBND ngày 9-8-2023 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận năm 2023”...


Theo Nghị quyết số 10-NQ/QU, Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo UBND quận kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp thực trạng các thiết chế văn hóa trên địa bàn, chỉ đạo HĐND quận bố trí nguồn vốn ngân sách thỏa đáng cho đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật – thể dục thể thao. HĐND quận đặc biệt quan tâm đến các dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn, phấn đấu đầu tư hoàn chỉnh hệ thống các thiết chế văn hóa, hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch để hỗ trợ ngành công nghiệp văn hóa phát triển.


Trong những năm qua, quận Tây Hồ luôn xác định phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa. Vì vậy, quận đang tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa; từng bước đưa văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng quận Tây Hồ trở thành tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô. Ngoài ra, quận luôn xác định mỗi một người dân chính là nguồn nhân lực quan trọng để quảng bá, phát triển thị trường văn hóa; đặc biệt là giới nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học đang sinh sống trên địa bàn.


PV: Trong dòng chảy chung của ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô, đâu là thế mạnh để Tây Hồ định vị thương hiệu của mình? Nguồn lực văn hóa sẽ tiếp tục được “đánh thức”, khơi thông như thế nào để thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của địa phương, thưa ông?


Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến: Lịch sử văn hiến lâu đời đã để lại cho Tây Hồ một kho tàng tài nguyên văn hóa, lịch sử và tâm linh đặc sắc bao gồm tài nguyên du lịch văn hóa vật thể và phi vật thể. Nổi tiếng cả nước với các vùng trồng hoa: Đào Nhật Tân, quất Quảng Bá, Tứ Liên, Tây Hồ còn có hệ thống 71 di tích, trong đó 42 di tích đã được xếp hạng và 29 di tích trong danh mục kiểm kê, quản lý.


 
Nhiều di tích, danh thắng của Tây Hồ đang nằm trong các tour du lịch của Hà Nội như: Hồ Tây, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên... Một số di tích có lễ hội truyền thống tiêu biểu thu hút đông đảo nhân dân như: Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ, lễ hội truyền thống đình Nhật Tân, đình Yên Phụ, phủ Tây Hồ, đền Voi Phục,… các lễ hội thể hiện sự tôn kính đối với các bậc thánh nhân có nhiều công sức đóng góp cho dân tộc, thông qua những nét đặc sắc nổi bật đó thu hút được sự chú ý, khám phá của du khách.


Nhờ đó, độ nhận diện về văn hóa Tây Hồ được gia tăng trong ấn tượng và trí nhớ của khách du lịch trong nước và quốc tế. Việc gắn kết hoạt động du lịch với văn hóa đã đưa du lịch trở thành một mũi nhọn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa và đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của quận Tây Hồ.


Trong dòng chảy chung của ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô, khi đã có thế mạnh để quận Tây Hồ định vị thương hiệu của mình, nguồn lực văn hóa sẽ tiếp tục được “đánh thức” và khơi thông, trở thành động lực cho sự phát triển bền vững trong tương lai.


Để khai thác các tiềm năng, lợi thế của các di tích, di sản, làng nghề của khu vực hồ Tây phục vụ phát triển du lịch, quận Tây Hồ đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật ẩm thực, đường phố quận Tây Hồ”; Đề án thưởng thức trà sen Quảng An; Đề án “Làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân kết hợp với du lịch”... Quận cũng phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để xác định thương hiệu điểm đến, phát triển du lịch tâm linh kết hợp với tham quan làng nghề truyền thống, đồng thời nhiều đề án, kế hoạch được đưa ra đều hướng tới việc bảo tồn, phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống về giấy dó, chè sen, hoa đào, quất cảnh…


Giai đoạn 2021-2025, quận Tây Hồ chỉ đạo thực hiện rà soát, tổng hợp danh mục dự án tu bổ các di tích xuống cấp, triển khai thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, đầu tư các dự án phát triển làng nghề, không gian văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và tăng thu ngân sách cho địa phương. Theo đó, toàn quận có 21 dự án tu bổ, tôn tạo di tích đang được triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư là 385,507 tỷ đồng; có tới 28 dự án hạ tầng kỹ thuật đang được triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư là 1.269,299 tỷ đồng; quận đang triển khai thực hiện 5 dự án phát triển làng nghề, không gian văn hóa với tổng mức đầu tư là 174,087 tỷ đồng.


Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với chuyển đổi số và hội nhập quốc tế


PV: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xin ông cho biết việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và thu hút, hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa được quận Tây Hồ hướng tới như thế nào?


Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến: Quận Tây Hồ đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển công nghiệp văn hóa, chủ động phối hợp với các sở, ngành thành phố ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ trong sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa như sản xuất phim “Huyền thiêng Phủ Tây Hồ”; “Một ngày du ngoạn Tây Hồ”, “Hội thề Trung hiếu – Rạng ngời sử Việt”; phối hợp sản xuất phim tài liệu, phóng sự về Chùa Trấn Quốc, Đền Đồng Cổ, Chùa Kim Liên, làng nghề xôi Phú Thượng,…


 
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách cũng như phục vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc trên địa bàn quận, dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch quận Tây Hồ (Giai đoạn 1)” với sản phẩm Trang thông tin điện tử Tây Hồ 360 đã mang đến cho các nhà quản lý, người dân, du khách trong và ngoài nước có một cái nhìn mới hơn về quận Tây Hồ bằng công nghệ hiện đại.


Hiện nay, quận đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện giai đoạn 2 của dự án, theo đó sẽ tiếp tục đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo vào một số hoạt động quản lý và truyền thông để đẩy mạnh quảng bá hình ảnh quận Tây Hồ, hỗ trợ thu hút khách du lịch.


Quận cũng là đơn vị tổ chức thành công nhiều hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế lớn như: Giao lưu văn hoá Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Nhật Bản, Chương trình trồng cây hữu nghị với sự tham gia của đại sứ quán 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, quận cũng thường xuyên tăng cường tổ chức giao lưu, đối ngoại về văn hóa để giới thiệu, quảng bá về văn hóa và con người Tây Hồ; nhờ đó Tây Hồ cũng được du khách biết đến nhiều hơn, các mối quan hệ, hợp tác giữa quận với các địa phương trên của các quốc gia được duy trì, mở rộng.


Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt


PV: Trong tình hình đô thị hóa như hiện nay, phát triển đô thị và khai thác tiềm năng du lịch đang phát sinh những vấn đề cần phải cân nhắc, như: Nguồn lợi kinh tế đe dọa phá vỡ cấu trúc đô thị lịch sử, bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên, hệ sinh thái nhân văn…, quận Tây Hồ đã giải bài toán này như thế nào để bảo đảm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế trước mắt?


Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến: Trong tình hình đô thị hóa như hiện nay, để không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế trước mắt, đặc biệt là phát huy lợi thế cảnh quan hồ Tây, làng nghề truyền thống và hệ thống di tích, lịch sử văn hóa gắn với xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo, quận Tây Hồ đã đầu tư chỉnh trang, cải tạo mở rộng không gian, xây dựng không gian văn hóa sáng tạo. Định hướng chúng tôi đặt ra là phát huy lợi thế của Tây Hồ, tạo dấu ấn riêng trong tổ chức các hoạt động có quy mô lớn; thúc đẩy xây dựng và triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch dịch vụ trên địa bàn; xây dựng Đề án về quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị Hồ Tây. Qua đó, tạo ra những sản phẩm văn hóa mới đặc sắc, hình thành liên kết chuỗi góp phần gia tăng giá trị, sức cạnh tranh, định vị thương hiệu sản phẩm văn hóa; phát huy lợi thế cảnh quan hồ Tây, các làng hoa, làng nghề và hệ thống di tích, lịch sử văn hóa việc gắn với việc xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo để hình thành các điểm đến du lịch dịch vụ thu hút người dân và du khách đến với quận Tây Hồ.


Có thể nói, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND quận Tây Hồ đã thể hiện khát vọng phát triển mạnh mẽ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh nội sinh và ngoại sinh để tạo ra một nền văn hóa tiên tiến đậm bản sắc dân tộc đất Thăng Long, góp phần xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Lành mạnh - Cạnh tranh - Bền vững".


(Còn nữa)


Bài, ảnh: THANH HƯƠNG - THU THỦY




*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.


 

 

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom