Cháy trong 'chuồng cọp'

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Năm 1996, khi tôi chở cha đi quanh Hà Nội trong chuyến cha ra mừng nhà mới cho vợ chồng tôi, ông nói: “Cha thấy Hà Nội bây giờ như một vườn thú khổng lồ”.


Biết tính cha hay đùa, tôi hỏi tại sao. "Thì con xem, nhà mô cũng có chuồng sắt, nhốt người trong đó". Tôi phì cười nhưng cũng phải công nhận quan sát thú vị của cha.

Những ngày này, khi hay tin về những vụ cháy lớn, lấy đi nhiều sinh mạng ở Việt Nam, nhiều trong số đó bị mắc kẹt trong các chuồng cọp, tôi lại nhớ đến nhận xét gần 30 năm trước của cha tôi. Bây giờ vẫn thế, vẫn những chuồng cọp bằng sắt bịt hết lô gia và ban công, tức là bịt trước bịt sau. Những cái lồng sắt thậm chí được làm dày hơn, to hơn, chắc chắn hơn ngày trước. Không chỉ nhà tập thể cũ, mà các khu chung cư mới cũng bịt lồng. Tôi cá là số chuồng cọp bây giờ ở Hà Nội nhiều hơn hẳn ngày xưa, với tốc độ phát triển các chung cư cao tầng thời gian qua. Có người còn nói vống lên rằng nếu đem số lồng sắt này làm hàng rào chắc cũng đủ bao quanh... Trái đất.

Những chiếc lồng này trông đã rất lạ mắt với cha tôi - "người nhà quê" thỉnh thoảng ra Hà Nội - thì sẽ khó hiểu đến mức nào nữa với người nước ngoài tới Việt Nam.

Một lần, tôi dẫn vị giáo sư người Australia đi quanh Hà Nội. Ông ngắm nghía một hồi rồi hỏi tôi tại sao ở đây lại lắm lồng sắt đến thế. Tôi không biết trả lời thế nào vì... sĩ diện. Chả nhẽ lại nói là vì có nhiều kẻ... trộm quá. Tôi bèn trả lời theo kiểu "nhã ngôn" là vì lý do an ninh. Ông này là giáo sư, lại là dân Tây, việc gì cũng muốn biết rõ ràng, nên gặng hỏi tiếp: "Nghĩa là sao?". Tôi đành giải thích là do sợ trẻ con, người già ngã từ cao xuống. Đến đây thì ông gật đầu mấy cái nhưng tôi không chắc là ông tin hẳn lời tôi.

Tất nhiên, chống rơi - ngã chỉ là yếu tố phụ. Lý do làm chuồng cọp không chỉ vậy. Thời bao cấp, các lồng sắt ra đời do lòng tham xấu xí của con người, trong bối cảnh chật chội, thiếu thốn. Nhà nhà đua nhau lắp thêm cái lồng, cơi nới diện tích, để chỗ ở rộng hơn một chút. Sau này, trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, trộm cắp hoành hành, nhu cầu chống trộm trở nên bức thiết. Trộm có thể "thăm hỏi" hàng ngày, sơ hở là mất của. Còn hỏa hoạn, thực tế, cũng chỉ năm vài ba vụ mà dân mình ai cũng nghĩ nó sẽ xảy ra đâu đó, chứ không trúng vào nhà mình.

Tôi và chắc chắn là nhiều người khác, hoàn toàn hiểu lịch sử hình thành, lý do tồn tại và phát triển của những chiếc chuồng cọp. Điều tôi thấy khó hiểu là hiện nay, bối cảnh đã khác, tại sao không mạnh dạn đập bỏ những chiếc lồng sắt vây hãm lối thoát của con người.

Khác với ngày xưa, hệ thống ngân hàng, các phương tiện cất giữ tài sản chưa phổ biến, các gia đình thường phải cất giữ của cải, tiền bạc trong nhà. Bây giờ, tài sản để trong ngân hàng, tiền mặt để vào thẻ; cái tivi, điện thoại cũng không phải là thứ trộm cắp ưa chuộng như xưa; do trình độ dân trí tốt lên, giám sát, quản lý thị trường chặt chẽ hơn, đồ trộm cắp ngày một khó tiêu thụ. Đó là chưa kể thiết bị, công nghệ chống trộm đã phát triển hơn. Mà kể cả nếu chúng vẫn táy máy, thì cái tivi, điện thoại đáng nhẽ không xứng một xu nào trước tính mạng của con người mới phải.

Điều thứ hai tôi thấy khó hiểu là tư duy thiếu quyết liệt của nhà chức trách trong khi xử lý các sai phạm liên quan đến xây dựng và quy định phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là sau các vụ hỏa hoạn thảm khốc vừa qua. Chẳng hạn, hai năm trước, sau hàng loạt vụ cháy xảy ra, một phường ở Hà Nội tiến hành vận động hàng nghìn nhà dân tự mở lối thoát hiểm, bằng cách khoét một lỗ, đủ để người chui lọt trên các chuồng cọp. Đây là cách làm tạm thời, thể hiện nỗi lo lắng của chính quyền đối với cuộc sống của người dân, nhưng không loại trừ được nguy cơ mắc kẹt khi xảy ra hỏa hoạn. Chẳng hạn, chủ nhà giấu chìa khóa lối thoát hiểm quá kỹ, lối thoát quá nhỏ với những tình thế đông người, dễ ngạt khói...

Giải pháp tạm thời này còn có thể tiềm ẩn những mặt tiêu cực khác như nguy cơ mất an toàn do thay đổi kết cấu công trình, ảnh hưởng mỹ quan đô thị...

Tôi thiên về lối tư duy rõ ràng khác, việc ai nấy làm và làm đúng theo quy định của pháp luật. Thay vì để chính quyền phải đi vận động bằng một giải pháp chắp vá, các sai phạm về quy chuẩn xây dựng cần được thanh tra xử phạt, phá dỡ. Thay vì thông cảm với nhu cầu chống trộm của người dân, mà không cứu được họ khi có hỏa hoạn, lực lượng an ninh và quản lý thị trường cần làm hết chức phận của mình. Công an tăng cường an ninh, tăng nặng hình phạt với nạn trộm cắp. Quản lý thị trường giám sát tình trạng buôn bán, lưu hành đồ không có giấy tờ, nguồn gốc.

Dân vẫn chống trộm theo cách lạc hậu, nhà chức trách vẫn quản lý đô thị bằng các giải pháp chắp vá, thiếu quyết liệt, thì nạn chuồng cọp chưa thể nào xóa bỏ.

Đặng Đình Cung

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom