- Bài viết
- 3,872
- Xu
- 3,217
“Chánh cương” đầu tiên của Đảng ta
Cách đây 93 năm, vào những ngày đầu của tháng 2-1930, Chánh cương vắn tắt của Đảng là một trong những văn kiện quan trọng hàng đầu được thông qua tại Hội nghị
www.qdnd.vn
Cách đây 93 năm, một trong những văn kiện quan trọng hàng đầu được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào những ngày đầu của tháng 2 năm 1930 là “Chánh cương vắn tắt của Đảng” khi lựa chọn đúng đắn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là “đi tới chủ nghĩa cộng sản”.
Cùng với Sách lược vắn tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng, “Chánh cương vắn tắt của Đảng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, được thảo luận và thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, thể hiện tinh thần cách mạng triệt để và sáng tạo, kết hợp một cách đúng đắn và phù hợp giữa lý luận với thực tiễn Việt Nam. Quan điểm cơ bản và là hạt nhân của “Chánh cương” có giá trị xuyên suốt con đường và mục tiêu cách mạng nước ta, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.Xuất phát từ việc quán triệt, vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, trực tiếp là quan điểm của V.I.Lênin trong tác phẩm Hai sách lược của Đảng dân chủ ‐ xã hội trong cách mạng dân chủ, năm 1905 : “Cương lĩnh của chúng ta không phải là một cương lĩnh cũ, mà là một cương lĩnh mới, cương lĩnh tối thiểu của Đảng công nhân dân chủ‐xã hội Nga. Chúng ta có một khẩu hiệu mới: Chuyên chính dân chủ cách mạng của giai cấp vô sản và nông dân. Nếu chúng ta sống được đến ngày cách mạng thực sự thắng lợi, chúng ta sẽ có cả những phương thức hành động mới, phù hợp với tính chất và với những mục tiêu của đảng của giai cấp công nhân là đảng đang mong muốn một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn”. Đồng thời, từ việc phân tích tình hình thực tiễn của xã hội thuộc địa, đánh giá đúng thái độ chính trị của các giai tầng ở nước ta, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Đảng ta đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Tư bản bản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được. Còn về nông nghệ một ngày một tập trung đã phát sinh ra lắm khủng hoảng, nông dân thất nghiệp nhiều. Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được, chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa nên chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
|
Ảnh tư liệu về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, tháng 2-1930. |
Chánh cương đã khẳng định phải tiến hành cách mạng để đi tới chủ nghĩa cộng sản; khẳng định cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: Cách mạng tư sản dân quyền để giành độc lập dân tộc, thổ địa cách mạng ruộng đất cho dân cày và cách mạng xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Gắn với quá trình đó là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là tư tưởng cốt lõi gắn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khẳng định con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam, con đường duy nhất đúng: Đáp ứng yêu cầu của xã hội Việt Nam, đúng với quy luật phát triển cách mạng, đúng với hoàn cảnh thế giới và phù hợp với xu thế của thời đại.
Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới ách xâm lược, đô hộ của thực dân Pháp, là xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Yêu cầu khách quan đặt ra của xã hội thuộc địa nửa phong kiến là độc lập dân tộc và dân chủ. Hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, các phong trào yêu cầu đấu tranh của nhân dân ta trước năm 1930, liên tiếp nổ ra mạnh mẽ, tiêu biểu như phong trào Cần Vương, phong trào nông dân Yên Thế, phong trào theo hệ tư tưởng tư sản của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh... đều đi đến thất bại, vì chưa xác định được đường hướng đi đúng để giành độc lập dân tộc.
Trong hoàn cảnh lịch sử đó, bằng thiên tài trí tuệ và một con đường đi tìm đường cứu nước độc lập, sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn đáp ứng yêu cầu của xã hội Việt Nam là con đường cách mạng vô sản. Theo Người: Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới triệt để giải phóng được các dân tộc thuộc địa khỏi ách nô lệ và trong thời đại ngày nay, “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Trên cơ sở nhận thức đúng về con đường cứu nước, trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, do Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã xác định con đường cách mạng Việt Nam là: Tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới chủ nghĩa cộng sản.
Tranh của họa sĩ Phi Hoanh vẽ hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tham gia hội nghị gồm đại diện Quốc tế Cộng sản: đồng chí Nguyễn Ái Quốc; đại biểu Đông Dương Cộng sản đảng - các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh; đại biểu An Nam Cộng sản đảng - các đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu. (Ảnh tư liệu) |
Nhất quán với tinh thần của “Chánh cương”, trong Bài nói chuyện về bản Tổng cương và Điều lệ của đảng, tại Hội nghị Trung ương chuẩn bị cho Đại hội lần thứ II của Đảng, ngày 10-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mục đích của Đảng là đánh Pháp, giải phóng dân tộc, thực hiện dân chủ mới, rồi sẽ tùy theo tình hình kinh tế, sự sắp đặt của Đảng, sẽ giác ngộ, giáo dục, tổ chức quần chúng đi tới xã hội chủ nghĩa”. Từ việc xác định mục đích của Đảng, trên Chuyên mục Thường thức chính trị, Báo Cứu Quốc, từ ngày 16-1 đến ngày 23-9-1953, Người chỉ rõ mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong chính cương của Đảng: “Đảng có chính cương rõ rệt: Hiện nay thì giai cấp công nhân lãnh đạo toàn dân chống đế quốc và phong kiến, để giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ mới. Ngày sau thì tiến đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản”. Không những vậy, Người còn khẳng định: “Đảng cương là một văn kiện nó quy định: tính chất của Đảng, mục đích đấu tranh và đường lối cách mạng của Đảng, phương pháp lãnh đạo cách mạng của Đảng. Đảng cương là lý luận nền tảng, Đảng dùng để lãnh đạo cách mạng. Nó đảm bảo cho chính trị thống nhất, tư tưởng thống nhất của Đảng. Vì vậy, mỗi đảng viên nhất định phải thừa nhận và theo đúng Đảng cương. Nếu không vậy, thì tư tưởng sẽ rối loạn, ý kiến sẽ lung tung, Đảng sẽ yếu đuối, rời rạc, không làm được gì”.
Trên nền tảng mục tiêu độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội được xác định trong Cương lĩnh, trong suốt quá trình lãnh đạo chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã luôn nắm bắt thực tiễn, kiên trì mục tiêu lý tưởng và không ngừng bổ sung phát triển, hoàn thiện quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trên nền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ở những giai đoạn, những thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt của lịch sử với trí tuệ và bản lĩnh, Đảng ta luôn đưa ra được những quyết định lịch sử đảm bảo cho cách mạng Việt Nam luôn phát triển đúng hướng theo tư tưởng Cương lĩnh đầu tiên đã xác định và đặt hiệu quả cao.
Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nguồn: Tạp chí điện tử Lý luận chính trị. |
Đây là sự lựa chọn đúng đắn ngay từ đầu, vì vậy, trong Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, ngày 3 tháng 1 năm 1995 về Một số định hướng lớn về công tác tư tưởng - lý luận trong tình hình hiện nay, Đảng ta khẳng định: “Việc lựa chọn con đường từ cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội đã được Hồ Chí Minh nêu trong Chánh cương vắn tắt của Đảng và được trình bày trong Luận cương năm 1930. Sự lựa chọn ấy xuất phát từ chỗ chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng được nhân dân lao động khỏi mọi áp bức, bất công, mới đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân”.
Đánh giá về sự kiện này, trong bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Năm 1930, trong Cương lĩnh chính trị của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương: “Tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa”.
Tiến sĩ Trần Văn Rạng, Chủ nhiệm bộ môn, Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị, cho rằng: “Chánh cương vắn tắt của Đảng xác định chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản chính là phương hướng chiến lược, là con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Thực chất, đó là con đường đi từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đối với dân tộc Việt Nam, các con đường cứu nước trước đó, theo khuynh hướng phong kiến và dân chủ tư sản tuy có điểm chung là giành độc lập dân tộc song lại gắn với một chế độ lỗi thời - hoặc thiết lập lại chế độ phong kiến, hoặc xây dựng chế độ cộng hòa tư sản, kết cục đều thất bại. Chấm dứt sự khủng hoảng đó, lần đầu tiên, kể từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, con đường cách mạng mà Đảng xác định vào năm 1930 vừa phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người, với xu thế của thời đại mới, vừa đáp ứng nhu cầu lịch sử. Theo đó, cần dứt khoát khẳng định rằng, con đường phát triển của cách mạng Việt Nam do Chánh cương của Đảng xác định là hoàn toàn đúng đắn. Sự lựa chọn của Đảng cũng chính là lựa chọn của lịch sử Việt Nam”.
Thực tiễn luôn là tiêu chuẩn của chân lý khách quan. Những thành tựu có ý nghĩa lịch sử 93 năm qua của Đảng ta, nhất là sau hơn 35 năm nước ta tiến hành sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã chứng minh hùng hồn tính đúng đắn trong lựa chọn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam trong Chánh cương đầu tiên của Đảng ta ngay từ khi ra đời.
Sửa lần cuối: