Câu chuyện quốc tế: Hàn Quốc thúc đẩy văn hóa trân trọng cuộc sống

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Theo sắc lệnh vừa có hiệu lực của Chính phủ Hàn Quốc, hằng năm, tất cả học sinh từ cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông cùng nhân viên tại các cơ quan của chính phủ đều phải tham gia chương trình giáo dục phòng, chống tự tử. Các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp tư nhân có từ 30 nhân viên trở lên được khuyến khích tham gia chương trình này.

Người quản lý những tổ chức nói trên phải xây dựng các chương trình giáo dục về phòng ngừa tự gây hại và thực hiện chương trình ít nhất một năm một lần trực tiếp hoặc trực tuyến cho học sinh, sinh viên và nhân viên; phải báo cáo kết quả cho Bộ Y tế và Phúc lợi hoặc các bộ phận khác có liên quan của chính phủ. Chương trình giáo dục bao gồm hai phần chính: Phần thứ nhất, giáo dục về bản chất của hành động tự tử, bao gồm các yếu tố góp phần làm suy giảm sức khỏe tâm thần và các chiến lược để vượt qua các tình trạng như vậy; phần thứ hai, cung cấp hướng dẫn thực tế về việc hỗ trợ những cá nhân có nguy cơ tự tử cao, bao gồm cách nhận biết các dấu hiệu cảnh báo và những chiến lược ứng phó hiệu quả.


Bất chấp các nỗ lực của chính phủ, số vụ cố gắng tự tử vẫn tiếp tục tăng hằng năm ở Hàn Quốc. Yonhap dẫn nguồn Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết, tỷ lệ tự tử của Hàn Quốc vào năm 2022 đã giảm nhẹ so với năm trước đó, nhưng vẫn cao nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khi có gần 13.000 người tự vẫn.


Không phải tự nhiên trên cây cầu Mapo bắc qua sông Hàn thơ mộng ở thủ đô Seoul lại có những điểm “bất thường” chỉ để ngăn những con người đang tuyệt vọng lao mình xuống sông. Cầu Mapo, nơi sự sống và cái chết mong manh, đã trở thành tâm điểm của vấn nạn tự sát ở Hàn Quốc, khi gần như ngày nào cũng có người cố gắng nhảy xuống để tìm đến cái chết. Tần suất xảy ra những sự cố này buộc chính quyền thành phố phải dựng lên một “công trình nghệ thuật” bất đắc dĩ ở giữa cầu là bức tượng đồng hai người đang ngồi, người này an ủi người kia, kèm dòng chữ được khắc có nội dung: “Bạn ơi, hãy nghĩ lại một lần nữa”. Một rào chắn cũng được lắp đặt trên cầu Mapo có dòng chữ: “Bạn là người có giá trị nhất trên thế giới”. Cùng với đó là các biện pháp giám sát, nút gọi khẩn cấp và điện thoại để kịp thời ngăn chặn các cú nhảy chết người...


Tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở giới trẻ Hàn Quốc (độ tuổi từ 10 đến 39). Vào năm 2022, số vụ tự tử và cố gắng tự làm hại bản thân ở thanh, thiếu niên là 160,5 lần cố gắng trên 100.000 dân. Chính điều này đã gây áp lực to lớn đến đội ngũ giáo viên. Sau cái chết vì tự vẫn của một giáo viên trẻ vào cuối mùa hè năm ngoái, sự thất vọng đã được thổi bùng. Hàng chục nghìn người đã xuống đường ở Seoul yêu cầu giáo viên được bảo vệ tốt hơn.


Những áp lực liên quan tới chất lượng cuộc sống hay điều kiện kinh tế... là những nguyên nhân khiến nhiều người Hàn Quốc có hành vi cực đoan như vậy. Trong khi nam giới ở nước này phải đối mặt với áp lực thành công về kinh tế, áp lực kiếm tiền chu cấp cho gia đình, phụ nữ cũng gặp phải chứng căng thẳng tâm lý như trầm cảm. Các nghiên cứu cũng chỉ ra mối tương quan giữa sự không hài lòng với ngoại hình và các vấn đề sức khỏe tâm thần ở phụ nữ Hàn Quốc-vốn nổi tiếng là quốc gia đề cao tiêu chuẩn sắc đẹp.


Chính phủ Hàn Quốc hiện đang chú trọng thúc đẩy công tác phòng ngừa tự tử ở người dân bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó coi đầu tư vào sức khỏe tâm thần của mọi công dân là nhiệm vụ trọng điểm quốc gia. Nước này cũng thành lập Trung tâm Phòng, chống tự tử Hàn Quốc, ngăn chặn lan truyền trên mạng xã hội các nội dung liên quan đến tự tử. Trung tâm sẽ có nhiệm vụ giám sát 24/24 giờ, với đội ngũ nhân sự chuyên trách để theo dõi và quản lý các bài đăng, video có nội dung kêu gọi tự tử hoặc chia sẻ cách thức tự tử. Ngoài ra, chính phủ có kế hoạch cung cấp tư vấn tâm lý cho 80.000 cá nhân trong năm nay, nhắm tới những cá nhân có ý định tự tử hoặc những người đã từng tự tử trong gia đình họ. Đến năm 2027, khả năng tiếp cận hỗ trợ tâm lý sẽ được mở rộng tới một triệu người.


Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục dựa vào công nghệ và các biện pháp an ninh để ngăn chặn những vụ tự tử, như lắp đặt camera giám sát được trang bị trí tuệ nhân tạo trên các cây cầu bắc qua sông Hàn. Hệ thống này có khả năng nhận biết các tình huống trong thời gian thực và dự đoán các nỗ lực tự tử, tự động cảnh báo cho các đội cứu hộ để quyết định xem có cần can thiệp ngăn chặn hay không.


MAI NGUYÊN


*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom