Bài cuối: Cần giải pháp từ nhiều phía

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Tuy nhiên, với xu hướng tăng nhanh HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho Việt Nam khi muốn kết thúc đại dịch. Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có những chiến lược gì để khống chế và giảm ca mắc trong nhóm này ở những năm tiếp theo?

Kiến nghị sửa đổi quy định, nghị định

Theo ước tính, đến nay cả nước có khoảng 250.000 người đang sống chung với HIV. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, số người nhiễm HIV còn sống được phát hiện và báo cáo chủ yếu thuộc khu vực Đông Nam Bộ (39,4%) và Đồng bằng sông Cửu Long (33.2%).

hiv20.jpg -0

Đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức phòng tránh HIV đến người dân.


Trong 5 tháng đầu năm 2024, số người nhiễm HIV được phát hiện tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam và các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre. Những địa phương trên là những tỉnh, TP có nhiều khu công nghiệp, trường đại học, là nơi tập trung kinh tế, văn hóa, giáo dục nên dân cư đổ về làm việc, học tập đông, dễ xảy ra các hành vi nguy cơ làm lây nhiễm HIV.

Theo phân tích của ông Sơn, số ca nhiễm mới trong 5 tháng đầu năm có 84,4% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15 - 29 (39%) và 30 - 39 (31%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (74.2%). Đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (41.1%) và đối tượng khác (35.9%). Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội là 5,8% năm 2022, tại TP Hồ Chí Minh từ 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.

Khi đi thực tế tại nhiều địa phương phía Nam, phóng viên được các cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) ở đây cho biết, có 4 khó khăn lớn mà họ đang gặp phải trong quá trình tiếp cận tuyên truyền phòng, chống HIV là: Độ tuổi xét nghiệm, tuyên truyền vào trường học, tiếp cận cộng đồng MSM và không chi trả lương và trợ cấp cho người thực hiện cung cấp các dịch vụ tại cộng đồng. Đây là những cản trở lớn nhất để kéo lùi và làm chậm tiến trình kết thúc đại dịch.

ThS.BS Đỗ Hữu Thuỷ - Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục Phòng chống HIV/AIDS) cho biết: Từ năm 2020 trở về trước, chương trình phòng chống HIV/AIDS là Chương trình Mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 26/2018/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, trong đó quy định nội dung chi và định mức chi cho hoạt động cộng tác viên, tuyên truyền viên đồng đẳng tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Đến nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia kết thúc, nên hiệu lực của Thông tư không còn.

Để có thể huy động sự tham gia của cộng tác viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang tham mưu với Bộ Y tế báo cáo và trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Quyết định số 1378/QĐ-TTg về ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực Y tế - Dân số. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Tài chính cùng các đối tác tham mưu sửa đổi Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Đồng thời, tham mưu cho Bộ Y tế phê duyệt các văn bản thuộc chức năng của Bộ Y tế ban hành như định mức kinh tế kỹ thuật các dịch vụ phòng, chống HIV; khung giá dịch vụ…

“Hy vọng khi các khung pháp lý được ban hành, các địa phương sẽ được phê duyệt các nội dung chi, khung giá chi tiết để các tổ chức xã hội nói chung cũng như cộng tác viên, đồng đẳng viên tham gia và đóng góp hiệu quả hơn cho chương trình phòng chống HIV/AIDS. Bởi những nỗ lực của họ trong nhiều năm qua đã góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng”, BS Thuỷ nhấn mạnh.

Tăng cường điều trị dự phòng, tuyên truyền đến trường học

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều địa phương là điểm nóng của dịch HIV/AIDS đã có những sáng kiến hay để kéo giảm ca nhiễm như mô hình tìm kiếm ca nhiễm HIV mới tại cộng đồng để phát hiện và điều trị ngay. Hiệu quả của thuốc ARV điều trị sớm mang lại tín hiệu rất tích cực, giúp giảm lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Y tế cũng đẩy mạnh điều trị thuốc PrEP (thuốc dự phòng lây nhiễm HIV) tại các địa phương – đây là giải pháp ngăn chặn ca nhiễm mới và lây lan cực kỳ hiệu quả khi vận động được các MSM có nguy cơ tham gia. Không ít các tỉnh đã vận động được khối tư nhân tham gia điều trị PrEP như Đồng Tháp có tới 10 phòng khám PrEP tư nhân, cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Võ Hải Sơn cho biết, ở các tỉnh điểm nóng, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã nỗ lực phối hợp với các dự án, tổ chức quốc tế, các nhóm dựa vào cộng đồng mở rộng tối đa các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng: bên cạnh việc cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV tại hơn 1.300 cơ sở y tế, còn cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV thông qua các nhóm dựa vào cộng đồng và thông qua trang web trực tuyến: tuxetnghiem.vn cho 29 tỉnh/TP trọng điểm, xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 35 tỉnh/TP trên cả nước; kêu gọi sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác tìm ca nhiễm HIV, huy động sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

HIV đang tấn công mạnh vào giới trẻ, nhưng tuyên truyền đến đối tượng là học sinh cấp 2, cấp 3 vẫn còn khoảng trống, nếu chậm trễ, e rằng hậu quả rất khó lường. Trương Hoàng Bảo Ngọc, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới LGBT (cộng đồng những người có giới tính đặc biệt) An Giang cho biết, mạng lưới rất khó khăn khi không có tư cách pháp nhân, không kết nối với các doanh nghiệp xã hội và rất khó để truyền thông về cách sử dụng thuốc PrEP dự phòng HIV ở các khu công nghiệp, trường học, vùng sâu, biên giới.

Hay Danh Tùng, Trưởng nhóm CBO The Sun ở Kiên Giang cũng cho hay, doanh nghiệp rất khó và gần như không thể vào các trường học để tuyên truyền kiến thức về phòng, chống HIV và sử dụng thuốc PrEP nếu không có sự giúp đỡ của CDC và Sở GD&ĐT. Để ngăn chặn HIV tấn công giới trẻ, trong thời gian tới, CDC các tỉnh cần tập trung phối hợp với Sở GD&ĐT, các nhóm CBO, doanh nghiệp xã hội đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV vào trường học, đặc biệt là các trường THPT, THCS để các em có kiến thức phòng tránh, mang đến sự khoẻ mạnh cho thế hệ tương lai của đất nước.

“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng như các văn bản hướng dẫn luật đều đã quy định nhóm MSM là nhóm ưu tiên trong chương trình can thiệp phòng, chống HIV/AIDS và khuyến khích việc huy động các tổ chức cộng đồng tham gia triển khai các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm cho nhóm này”, BS Thuỷ cho biết.

Theo ý kiến của nhiều CDC các tỉnh, Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định trẻ dưới 15 tuổi phải có người giám hộ mới được thực hiện xét nghiệm khẳng định HIV dương tính và đưa vào điều trị. Nhưng hiện nay, có nhiều trẻ dưới 15 tuổi đã mắc căn bệnh thế kỷ nhưng cha mẹ từ chối giám hộ cho con và những đứa trẻ này không được xét nghiệm để điều trị kéo dài sự sống. Theo BS Vương Thế Linh, Trưởng Khoa HIV/AIDS, CDC Bình Dương, nếu các em không được can thiệp sớm bệnh tình diễn biến xấu nhanh. Vì vậy, luật cần sửa đổi theo hướng giảm độ tuổi được xét nghiệm khẳng định HIV để CDC tỉnh có thể đứng ra bảo lãnh giúp các em nhỏ xét nghiệm và điều trị. Việc này cần sớm được thực hiện với sự tham gia, vào cuộc của nhiều ban ngành, trong đó Bộ Y tế phải tham mưu chính sách để sửa đổi luật.

HIV đã tấn công vào học sinh, sinh viên và không còn thời gian để chờ đợi nữa, cần thiết phải có sự phối hợp và vào cuộc của ngành giáo dục, y tế, của UBND các tỉnh, TP để có giải pháp bảo vệ các em ở lứa tuổi này khỏi căn bệnh thế kỷ.


ThS.BS Đỗ Hữu Thuỷ, Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục Phòng chống HIV/AIDS): Để đạt được các chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 của Chính phủ, nhiều giải pháp chính đã được đặt ra như tư vấn xét nghiệm, dự phòng lây nhiễm. Trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV tiếp tục đa dạng hoá dịch vụ tư vấn xét nghiệm, đẩy mạnh xét nghiệm trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng, xét nghiệm lưu động và tự xét nghiệm HIV. Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng dự phòng lây nhiễm, có mô hình can thiệp cho người sử dụng ma tuý tổng hợp, người sử dụng ma tuý dạng kích thích Amphetamine và ma tuý đá.



Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom