Bài 2: Khi đồng đẳng viên không thù lao thì “cuộc chiến” còn khó khăn

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Hiện cả nước có khoảng 400 nhóm CBO, họ là những cánh tay nối dài của nhân viên y tế, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông giảm hành vi nguy cơ cho cộng đồng đích, và kết nối điều trị HIV. Dù thù lao cho các đồng đẳng viên rất thấp, từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, kinh phí này hiện nay cũng không còn nên nhiều người đã từ bỏ vì cuộc sống mưu sinh, hoặc không mặn mà hoạt động.

Những cánh tay nối dài của nhân viên y tế

Trời nắng như đổ lửa, trong văn phòng Mạng lưới dựa vào cộng đồng (CBO) S66 LOTUS – nhóm CBO tư nhân duy nhất tại Đồng Tháp - chỉ có 2 chiếc quạt, bàn ghế và các dụng cụ, tài liệu dành cho hoạt động tuyên truyền và test nhanh HIV. Trưởng nhóm CBO S66 Đặng Huỳnh Đăng chia sẻ: “Chúng em thuê văn phòng này 5 triệu/tháng, không sử dụng điều hoà để tiết kiệm chi phí. Toàn bộ chi phí hoạt động của văn phòng đều do chúng em bỏ tiền túi. Để duy trì, mỗi thành viên đều phải làm nhiều công việc cùng lúc mới đủ mưu sinh cho cuộc sống”.

Nhóm S66 có 10 thành viên, nhưng chỉ 3 người được ký hợp đồng làm đồng đẳng viên với CDC và Trung tâm Y tế TP, lương từ 840 nghìn đến 1 triệu đồng/người/tháng, còn lại đều làm việc không có thù lao. Theo ngân sách của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV, nếu giới thiệu, vận động được 1 ca đưa vào điều trị dự phòng PrEP nhận 120 nghìn đồng; 1 ca chuyển tiếp điều trị ARV được 1,8 triệu đồng. Số tiền này sẽ được đưa vào làm hoạt động của văn phòng. “Nguồn chi phí nhỏ cho các bạn cộng tác viên chỉ đủ tiền xăng xe, nếu dựa vào dự án để có kinh phí trang trải cuộc sống là không có. Chúng em làm việc chỉ vì cộng đồng”, Huỳnh Đăng chia sẻ.

hiv13.jpg -0

Mạng lưới LGBT An Giang hỗ trợ rất nhiều cho các bạn trẻ phòng tránh HIV.


Thành viên Ban điều hành nhóm S66 Bùi Văn D. tâm sự, mục tiêu của doanh nghiệp là giúp các bạn trẻ trong nhóm MSM biết cách bảo vệ sức khoẻ của mình. Là cộng đồng MSM, khi phát hiện giới tính thật của bản thân, D. cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, lo lắng gia đình phát hiện, hoang mang chưa biết cách bảo vệ mình. D. tâm sự: “Cộng đồng MSM của chúng em bị yếu thế, nhiều bạn trẻ hoang mang không biết tìm kiếm sự hỗ trợ từ ai. Em đang điều trị PrEP và tham gia vào công việc này chỉ có mục đích giúp các bạn trẻ hiểu về căn bệnh AIDS, điều trị dự phòng để bảo vệ bản thân”.

Thế nhưng, trên hành trình đó không phải gặp trường hợp nào D. tư vấn các bạn đều hiểu. Chàng trai buồn bã chia sẻ câu chuyện về người bạn thân của mình là sinh viên Đại học Đồng Tháp. Năm 2020, người bạn này có kết quả dương tính với HIV, suy sụp hoàn toàn. Nhìn bạn mình tìm tới cái chết, D. chỉ biết ôm bạn khóc ròng vì bất lực. D. chỉ tiếc rằng, bao năm đồng hành bên bạn, đã tư vấn cho bạn cách bảo vệ bản thân nhưng bạn không nghe, không tin và không làm theo.

Có rất nhiều tiếc nuối mà trong quá trình tư vấn các CBO gặp phải. Có bạn uống PrEP đã 2-3 năm, nhưng lại bỏ, và bị nhiễm HIV. Có bạn điều trị thuốc ARV đã ổn định, nhưng bỏ thuốc dẫn đến sức khoẻ sa sút nghiêm trọng. “Có bạn nhỏ điều trị thuốc ARV được 6 tháng thì chị gái phát hiện la mắng đòi mách ba mẹ, bạn sợ quá gọi điện cho em. Dù em tư vấn thế nào người chị này vẫn không tin, còn nói nếu cậu bé bỏ thuốc và chết thì em có chịu trách nhiệm hay không? Em phải đứng ra như người “đỡ đầu” cho cậu bé để cậu tiếp tục điều trị”, Huỳnh Đăng chia sẻ.

Thành lập từ năm 2014, nhưng tới năm 2019, nhóm CBO S66 mới tham gia tư vấn về HIV. Là nhân viên ngân hàng, Huỳnh Đăng xin nghỉ việc để chuyên tâm làm việc vì cộng đồng. Chàng trai trẻ mở cửa hàng trà sữa và tham gia vào nhiều dự án khác để lấy tiền cho S66 hoạt động. “Em làm công việc này vì cộng đồng và bạn bè xung quanh em. Khi phát hiện họ có nguy cơ và có HIV, độ tuổi ngày càng trẻ hoá và tỷ lệ lây nhiễm nhiều thì em càng quyết tâm, càng nhiệt huyết”, Trưởng nhóm S66 tâm sự.

Theo BSCKII Nguyễn Công Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp, nhiều năm qua, doanh nghiệp tư nhân S66 đã trở thành điểm tựa cho nhiều người trong cộng đồng MSM với hơn 600 người điều trị dự phòng PrEP. Họ là cánh tay nối dài của CDC tìm ca bệnh trong cộng đồng MSM. Nhóm S66 có độ phủ sống rộng như kết nối CBO các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ. Nhờ thế, không chỉ hỗ trợ cho các bạn trẻ MSM tại Đồng Tháp, mà còn vươn ra nhiều tỉnh, TP lân cận tại đồng bằng sông Cửu Long.

Khó khuyến khích đồng đẳng viên tham gia

Ước tính An Giang có khoảng 8.000 người trong nhóm MSM. Để tiếp cận nhóm đối tượng nguy cơ này còn nhiều thách thức khi tỉnh chưa có doanh nghiệp xã hội, nhóm CBO nào tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài lực lượng y tế mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc, họ phải dựa vào các cộng tác viên trong cộng đồng. Nhưng các bạn MSM khá nhạy cảm, khó tiếp cận, không chia sẻ thật, để tiếp cận họ đi xét nghiệm HIV và uống thuốc dự phòng là điều cực kỳ khó khăn.

Tại An Giang chỉ có Mạng lưới LGBT (cộng đồng những người có giới tính đặc biệt) của Trương Hoàng Bảo Ngọc được thành lập, trở thành điểm tựa cho cộng đồng MSM từ năm 2019 đến nay. Dù lúc đầu chuyển giới, Ngọc bị gia đình từ mặt. Nhưng cô đã gây dựng được mạng lưới cộng đồng LGBT ngày càng lớn và gắn kết, đã hỗ trợ, tư vấn cho rất nhiều bạn trẻ nhiễm HIV.

Tháng 8/2023, với sự hỗ trợ từ Phòng khám Đa khoa Mỹ Thạch, Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang đã có một văn phòng đại diện nho nhỏ làm địa chỉ hỗ trợ, tư vấn các vấn đề sức khoẻ cho người chuyển giới. Hàng tháng, mạng lưới cũng tổ chức trao đổi chủ đề về phòng, chống HIV/AIDS, mời đại diện CDC tỉnh An Giang hay Trung tâm y tế TP Long Xuyên, những người có chuyên môn đến chia sẻ kiến thức về y tế.

Ngọc chia sẻ, tất cả các bạn trong nhóm đều làm việc vì cộng đồng, không có thù lao. Bản thân Ngọc phải xoay xở nhiều nghề, như mở nhà hàng để kiếm thu nhập cho nhóm hoạt động.

BS Huỳnh Minh Trí, Khoa phòng, chống HIV/AIDS - Lao - Da Liễu, CDC An Giang cho biết, đến nay, tỉnh mới tuyển được 55 đồng đẳng viên hỗ trợ cộng đồng, nhưng số người can thiệp được trực tiếp vào nhóm MSM còn rất thấp so với tốc độ gia tăng chóng mặt của HIV. Trước đây, tiền lương chi trả cho đồng đẳng viên khoảng 800 nghìn đồng/tháng, nhưng nay cũng không còn kinh phí. Điều này khiến cho nhiều cộng tác viện không mặn mà với công việc, hoặc bỏ việc vì họ còn phải mưu sinh kiếm sống.

Giống như An Giang, Đồng Tháp cũng đang phải đối mặt với tình trạng trên. BS Nguyễn Ngọc Quý, Phó trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS (CDC Đồng Tháp) cho biết, Thông tư 26/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về chi cho cộng tác viên đã hết hiệu lực từ cuối năm 2020 nhưng chưa có hướng dẫn mới của cơ quan tài chính gây khó khăn trong việc hỗ trợ chi phí cho cộng tác viên và giáo dục viên đồng đẳng tại tuyến cơ sở.

“Mức chi hỗ trợ cho một tuyên truyền viên đồng đẳng tối thiểu 500 nghìn/tháng chưa đủ xăng xe và điện thoại, không khuyến khích các đồng đẳng viên đi lại nhiều lần để tiếp cận với những người có nguy cơ cao. Nhưng mức chi này đã ngừng hỗ trợ từ 2 năm nay nên chúng tôi rất khó khăn khi vận động họ tham gia”, BS Quý bùi ngùi.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom