Bắc Giang thu hút lao động cho phát triển công nghiệp

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Nhu cầu lớn, nguồn cung khó khăn

Sáu tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang đạt 14,14%, dẫn đầu cả nước. Tỉnh đứng thứ bảy cả nước về thu hút đầu tư FDI. Đặc biệt khu vực công nghiệp, xây dựng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao và là động lực chính tác động đến tăng trưởng chung của tỉnh, tỷ trọng của khu vực này chiếm đến gần 73% quy mô giá trị tăng trưởng toàn tỉnh. Khu vực công nghiệp xây dựng ước tính sáu tháng đầu năm tăng trưởng 18,11%, đóng góp 12,71 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Để có được đà tăng trưởng mạnh mẽ đó, nhu cầu về lao động của tỉnh Bắc Giang vào các khu công nghiệp đã tăng khoảng 35% so với sáu tháng đầu năm 2023. Đưa tổng mức công nhân công nghiệp đang làm việc tại Bắc Giang từ khoảng 200 nghìn người năm 2023 lên hơn 308 nghìn người tính đến tháng 6 năm 2024. Như vậy trong sáu tháng đầu năm, tỉnh Bắc Giang đã đón và tuyển dụng được khoảng 100 nghìn công nhân để phục vụ phát triển công nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, nhu cầu tuyển dụng lao động trong các khu công nghiệp vẫn đang tăng mạnh trong quý III và quý IV năm 2024. Chỉ tính trong quý III năm 2024, đã có 31 doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký tuyển hơn 37.200 lao động. Trong số này, lao động phổ thông chiếm 70%, chủ yếu thuộc các ngành điện, điện tử, may mặc, pin năng lượng mặt trời. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển số lượng lớn như: Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam, Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology Bắc Giang...

Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, việc Bắc Giang thu hút được khoảng gần 100 nghìn lao động, trong đó khoảng gần 70% là người lao động ngoại tỉnh trong sáu tháng đầu năm 2024 là một thành công ấn tượng. Bởi lẽ việc thu hút, tuyển dụng lao động đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn với những địa phương đi trước trong phát triển công nghiệp như các tỉnh: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Người lao động lựa chọn Bắc Giang là “điểm đến” điều đó chứng tỏ môi trường làm việc trong các khu công nghiệp tại đây đã được cải thiện, tạo ra sức hút mạnh mẽ.

Lãnh đạo tỉnh “xắn tay áo” đi tuyển dụng lao động

Ngay từ quý II năm 2024, qua các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, qua nắm tình hình sản xuất, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã kịp thời đưa ra hàng loạt giải pháp thu hút lao động cho phát triển công nghiệp. Đặc biệt, tỉnh thành lập bốn đoàn công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng đoàn đi đến bốn tỉnh gồm: Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn và Sơn La tiến hành xúc tiến thu hút lao động.


Tại các tỉnh, đoàn công tác của tỉnh Bắc Giang đã tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về môi trường làm việc tốt với thu nhập cao, ổn định, lâu dài tại các doanh nghiệp trên địa bàn đến các cấp, các ngành và người lao động trong tỉnh. Truyền thông về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, điều kiện làm việc của người lao động; nơi ăn ở, sinh hoạt của lao động ngoài tỉnh; nhu cầu tuyển lao động trong ngắn hạn và dài hạn; các chế độ với người lao động của doanh nghiệp; thông điệp của tỉnh về thu hút lao động ngoài tỉnh đến làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, dưới sự chủ trì của các đồng chí trưởng đoàn công tác đã tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động qua các phiên giao dịch việc làm online đến các điểm cầu tại các huyện và tổ chức giao dịch việc làm trực tiếp tại các tỉnh. Tại tỉnh Cao Bằng, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đề nghị, các cơ quan chuyên môn của hai tỉnh Cao Bằng-Bắc Giang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nắm tình hình lao động, nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động địa phương; thường xuyên theo dõi, nắm tình hình số lao động của địa phương mình làm việc tại Bắc Giang.

Sau các chuyến làm việc của các đoàn công tác, số lượng người lao động đăng ký và về Bắc Giang làm việc tại các khu công nghiệp đã tăng vọt. Có thể nói đây là một giải pháp sáng tạo, kịp thời của tỉnh Bắc Giang. Hiệu quả to lớn của các chuyến công tác đó còn tạo dựng niềm tin vững chắc đối với chính quyền và người lao động các tỉnh bạn đối với chính sách thu hút lao động của Bắc Giang. Sự phối hợp xúc tiến thu hút lao động của Bắc Giang với các tỉnh, thành phố được nâng lên tầm cao mới, chặt chẽ hơn, sâu sắc hơn, tránh được tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng việc tuyển dụng lao động để trục lợi từ người đi xin việc làm.

Nắm bắt nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ, tỉnh Bắc Giang tổ chức hợp tác trực tiếp với Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội và Đại học Thái Nguyên để đào tạo đội ngũ công nhân chất lượng cao. Tại các trường dạy nghề của tỉnh cũng trực tiếp tổ chức xúc tiến, thông tin tuyên truyền cho sinh viên nắm được nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó đã thu hút số lượng lớn lao động chất lượng cao đến làm việc; đồng thời tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn đến năm 2030.

Chăm lo cho đời sống công nhân, nhất là tạo dựng môi trường sống và làm việc cho các thế hệ công nhân kế cận trong tương lai được tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm triển khai. Tỉnh tập trung triển khai thực hiện xây dựng hệ thống nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2025 tỉnh giải quyết khoảng 80%, năm 2030 giải quyết khoảng 90% số công nhân có nhu cầu về nhà ở tại các khu, cụm công nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang chú trọng xây dựng các thiết chế về văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục tại các khu, cụm công nghiệp nâng cao chất lượng sống của công nhân, tạo dựng môi trường phát triển ổn định cho những thế hệ công nhân kế cận; đây là những giải pháp căn cơ mang tính bền vững để Bắc Giang thu hút nguồn lực lao động cho phát triển công nghiệp bền vững.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom