80 năm vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng: Xây dựng bộ đội chủ lực chuẩn bị cho Toàn quốc kháng chiến

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng và đổi tên Việt Nam Giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn. Tuy đổi tên nhưng Vệ quốc đoàn vẫn là Quân đội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cuối tháng 10-1945, hội nghị bàn về xây dựng Vệ quốc đoàn do Bộ Tổng Tham mưu tổ chức đã kiến nghị với Trung ương Đảng phê duyệt về tổ chức biên chế các đơn vị Vệ quốc đoàn theo hệ thống “tam tam chế”, gồm từ tiểu đội, phân đội, trung đội đến trung đoàn. Trong khi chờ Trung ương Đảng quyết định về tổ chức biên chế bộ đội chủ lực, các địa phương chủ động xây dựng các đơn vị để sẵn sàng đối phó với địch. Tháng 9-1945, mới chỉ có hai chi đội, đến cuối năm 1945, đã phát triển thành 40 chi đội bộ đội chủ lực ở hầu khắp các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và một số tỉnh ở Nam Bộ. Dưới chi đội là đại đội, trung đội, phân đội và tiểu đội.

Tháng 1-1946, Trung ương Quân ủy được thành lập. Tiếp đó, cấp ủy Đảng trong bộ đội chủ lực chiến khu được tổ chức, việc xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên được đẩy mạnh ở các đơn vị bộ đội chủ lực. Trước sự phát triển về quân số, để thống nhất tổ chức biên chế bộ đội chủ lực, ngày 22-3-1946, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 33/SL, quy định về tổ chức biên chế, cấp bậc, quân phục, phù hiệu của lực lượng lục quân. Đối với các đơn vị lục quân, tổ chức thành hàng đội (tiểu đội, trung đội, đại đội) và hàng đoàn (tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn, sư đoàn, liên đoàn, tập đoàn), bao gồm các cấp bậc binh (2 cấp), sĩ (3 cấp), úy (3 cấp), tá (3 cấp), tướng (3 cấp). Ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71/SL, chuyển Vệ quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Kèm theo sắc lệnh có bản quy tắc (62 điều), trong đó từ điều 1 đến điều 9 quy định tổ chức biên chế bộ đội chủ lực thống nhất từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn đến đại đoàn, sư đoàn, liên đoàn, tập đoàn của bộ binh; các đơn vị chuyên môn và hỏa lực trợ chiến. Theo đó, các chi đội ở Bắc Bộ, Trung Bộ chấn chỉnh thành đơn vị cấp trung đoàn (32 trung đoàn) và tiểu đoàn độc lập. Riêng Nam Bộ, do chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt nên vẫn giữ nguyên hình thức tổ chức cấp chi đội (25 chi đội).


Trên cơ sở các trung đoàn, giữa năm 1946, ở Bắc Bộ tổ chức Đại đoàn 1 và Đại đoàn 2; Nam Trung Bộ tổ chức các Đại đoàn 23, 27 và 31. Tuy vậy, các đơn vị được gọi là đại đoàn chỉ mang tính hình thức tổ chức, còn trang bị, vũ khí, đặc biệt là trình độ tác chiến rất hạn chế, hơn nữa, công tác bảo đảm khó đáp ứng xây dựng lâu dài. Sớm nhận thức được cách tổ chức đó chưa phù hợp, tháng 11-1946, ta giải thể các đại đoàn ở Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và từng bước khắc phục hạn chế, thiếu sót, tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức đơn vị chủ lực cấp đại đoàn cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu duy trì và phát triển của cuộc kháng chiến. Lúc này, tổ chức cao nhất của bộ đội chủ lực ở miền Bắc là cấp trung đoàn (gồm 27 trung đoàn) và miền Nam vẫn giữ nguyên tổ chức chi đội (gồm 25 chi đội).


Cùng với việc xây dựng tổ chức biên chế, công tác huấn luyện quân sự cho bộ đội chủ lực được coi trọng nhằm nâng cao trình độ, khả năng chiến đấu. Những tháng cuối năm 1945, công tác huấn luyện quân sự được tiến hành ở hầu khắp các đơn vị chủ lực. Nội dung huấn luyện chủ yếu là động tác đội ngũ, cách sử dụng vũ khí, kỹ thuật chiến đấu cá nhân; chiến thuật cấp tiểu đội, trung đội...


Năm 1946, công tác huấn luyện ở các trung đoàn, chi đội được tiến hành rất khẩn trương. Các đơn vị đều có chương trình huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật. Nhằm xây dựng bộ đội chủ lực đáp ứng nhiệm vụ chuẩn bị cho Toàn quốc kháng chiến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ cần khẩn trương đào tạo một đội ngũ cán bộ quân sự đủ về số lượng, tốt về chất lượng. Người xác định: “Phải tăng cường công tác quân sự, trước hết là phải luôn luôn xem trọng việc huấn luyện bộ đội. Phải ra sức bồi dưỡng cán bộ, phải rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, cũng như trình độ chiến thuật và kỹ thuật của cán bộ. Đó là khâu chính trong các thứ công tác... có thể nâng cao chiến thuật và kỹ thuật của bộ đội”. Thực hiện chủ trương đó, các Trường: Quân chính Bắc Sơn, Võ bị Trần Quốc Tuấn, Lục quân Trung học Quảng Ngãi, cùng những trường quân chính của các chiến khu được thành lập.


Nội dung học tập ở các trường, đối với nội dung chính trị, gồm: Tình hình nhiệm vụ, chính sách của Việt Minh, Cộng sản sơ giản, sơ giản về chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, công tác chính trị trong Quân đội cách mạng. Đối với nội dung quân sự: Tập trung huấn luyện đội ngũ, động tác chiến đấu từ cá nhân đến đại đội. Về cách đánh chính quy, do chưa có kinh nghiệm nên việc huấn luyện còn hình thức, góp nhặt chiến thuật của một số nước. Mặc dù trình độ và chất lượng huấn luyện không đồng đều nhưng đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến, các trường đã đào tạo được hàng nghìn cán bộ, kịp thời bổ sung cho nhiều đơn vị, đáp ứng yêu cầu cho các đơn vị bộ đội chủ lực.


Trước tình hình thực dân Pháp tiến hành kế hoạch mở rộng chiến tranh xâm lược trên diện rộng, ngày 13-12-1946, Trung ương Quân ủy triệu tập hội nghị các khu trưởng từ Khu 4 trở ra, giao nhiệm vụ tác chiến cho bộ đội chủ lực các chiến khu. Chiến khu 11 có 5 tiểu đoàn bộ binh (77, 101, 145, 212, 523), một đại đội cảnh vệ, 4 trung đội pháo binh, phối hợp với 13 đội quyết tử, 36 tổ du kích đặc biệt, tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu, tiêu diệt một bộ phận quân Pháp ở Hà Nội, giam chân chúng trong một thời gian, tạo điều kiện cho cả nước bước vào kháng chiến. Chiến khu 2 có Trung đoàn 33 phối hợp với tự vệ chiến đấu tiến công địch ở TP Nam Định. Chiến khu 3 có Trung đoàn 44 phối hợp với tự vệ, du kích tiến công địch ở thị xã Hải Dương, cầu Phú Lương, Lai Vu và đánh phá giao thông Đường 5. Chiến khu 12 có Trung đoàn Bắc Bắc đánh địch ở hai thị xã Bắc Giang và Bắc Ninh. Chiến khu 4 có Trung đoàn 57, Trung đoàn Trần Cao Vân phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến công địch ở TP Vinh (Nghệ An), Huế, cô lập Huế với Đà Nẵng. Chiến khu 5 có các Trung đoàn 96, 93 phối hợp với tự vệ chiến đấu, tự vệ thành, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch ở TP Đà Nẵng. Ở Nam Trung Bộ có các Trung đoàn 81, 82; Nam Bộ có 13 đội tự vệ thành, cùng các đội cảm tử tiến công địch, buộc chúng phải đối phó, không thể đưa quân tăng viện ra Bắc.


Để chuẩn bị cho Toàn quốc kháng chiến, nòng cốt là bộ đội chủ lực dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhất là phát triển về quân số, quy mô, tổ chức biên chế và được huấn luyện cơ bản kỹ thuật, chiến thuật. Dù mới được xây dựng, trang bị, vũ khí còn thô sơ, lạc hậu và kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều nhưng bộ đội chủ lực được bố trí phù hợp ở các chiến khu và có tinh thần chiến đấu cao, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng tại chỗ và toàn dân quyết tâm chiến đấu, mở đầu Toàn quốc kháng chiến, bảo vệ vững chắc nền độc lập vừa mới giành được.


DƯƠNG ĐÌNH LẬP


*Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ quyết thắng xem các tin, bài liên quan

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom