'Chó treo mèo đậy'

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Càng có tuổi tôi càng nhận ra tiếng Việt có nhiều nét đặc thù mà các thứ tiếng khác khó mà có được.


Có những đặc điểm ngay cả người Việt thứ thiệt cũng không biết hết. Điều lạ lùng là nhiều trường hợp lại do chính người... nước ngoài phát hiện ra. Cách tư duy, lối biểu thị trong tiếng Việt mang đầy dấu ấn văn hóa bản địa, dấu ấn lịch sử mà càng phân tích càng thú vị.

GS Cao Xuân Hạo từng kể, ông dạy cho một người nước ngoài - vốn là nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp - giỏi tiếng Việt đến mức "nếu không thấy đôi mắt xanh và mái tóc vàng của anh, người ta sẽ tưởng anh là dân Tràng An chính cống". Ông kể khi đố anh này câu tục ngữ "Vàng gió đỏ mưa", anh giải nghĩa được ngay. Nhưng khi GS đưa ra câu "Chó treo mèo đậy", anh nghĩ đến mấy ngày rồi đành... chịu.

Đấy chính là một trong những điểm thú vị của tiếng Việt. Tiếng Việt khác hẳn các thứ tiếng Ấn-Âu ở chỗ không bị bó buộc vào cấu trúc. Lý do một phần vì tiếng Việt đơn âm, mỗi âm là một chữ, mà chữ lại có thể là từ, tức là "đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa hoàn chỉnh". Hai là tiếng Việt thuộc loại không biến hình, tức là bản thân chữ hay từ không thay đổi về số (nhiều, ít), về vĩ tố (khi làm động từ)... Ba là tiếng Việt thể hiện một lối tư duy cực kỳ năng động (nếu nói tiêu cực thì là tùy tiện) vốn trở thành đặc thù văn hóa truyền thống. Ta có thể nói Tôi tên là Nam hay Tên tôi là Nam hoặc Cấm không được uống rượu hay Cấm uống rượu vì cả hai cách nói đều hiểu được như nhau.

Vì vậy, giỏi tiếng Việt là phải hiểu và vận dụng được hồn vía tiếng Việt trong lời ăn tiếng nói của mình. Sở dĩ nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp trong câu chuyện của GS Cao Xuân Hạo chỉ cắt nghĩa được Vàng gió đỏ mưa mà không thể lý giải Chó treo mèo đậy vì ở câu thứ nhất anh vận dụng được cấu trúc tương đương trong ngôn ngữ mẹ đẻ của anh, và quan trọng hơn là quê hương anh cũng có điểm chung về kinh nghiệm thời tiết (trời ráng vàng thì sẽ có gió/bão, ráng đỏ sẽ có mưa). Nhưng anh không thể hiểu được phông nền văn hóa Việt Nam liên quan đến chó, mèo và cuộc sống của người dân bao năm trước đây. Vì vậy khi được giải thích rằng "với chó thì thức ăn phải treo lên cao và với mèo thì thức ăn phải đậy kín lại, chúng mới không ăn mất" theo lối tư duy ngôn ngữ đề/ thuyết, thì anh chỉ có nước... tròn mắt.

Nhưng hiện nay, lớp trẻ và cả lớp không còn trẻ dần quen lối tư duy "cấu trúc máy móc" của ngôn ngữ Ấn-Âu để tạo ra thứ tiếng Việt "hiện đại". Truyền thông, mạng xã hội - những phương tiện sử dụng ngôn ngữ phổ biến - đang vô tình lan truyền xu hướng này. Tôi lấy ví dụ. Người ta cho rằng số ít thì phải dùng thêm từ "một" và số nhiều thì phải dùng thêm từ "những" trước danh từ mà quên mất tiếng Việt có những danh từ tổng hợp không cần đến "những" mà vẫn hiểu là số nhiều. Thói quen này một phần là do nhiều người kém ngoại ngữ nên bê luôn bản dịch của Google mà dùng (mà "anh này" là máy), nghe mãi thành... quen. Và thế là người Việt vô tư Âu hóa tiếng Việt. Chẳng hạn, người ta viết: Ông ấy là một giáo viên (thay vì Ông ấy là giáo viên); Những phụ nữ Việt Nam rất đẹp (thay vì Phụ nữ Việt Nam rất đẹp).

Tham khảo có chọn lọc ngôn ngữ nước ngoài để làm giàu tiếng Việt là điều tốt, nhưng bắt chước máy móc lại là chuyện khác, khiến cho tiếng Việt trở nên trúc trắc, hoặc dài dòng, rối rắm một cách không cần thiết. Súc tích, ngắn gọn mà mạch lạc tạo nên sức mạnh của ngôn ngữ.

Tôi còn quan sát thấy nạn bỏ động từ và danh từ hóa bằng "sự". Ta có thể gặp đâu đó thường xuyên trên truyền thông và các văn bản cách diễn đạt như Bạn phải nhận được sự cho phép (thay vì Bạn phải được cho phép); Sản phẩm này đang thu hút sự quan tâm của người dùng (thay vì Sản phẩm này đang được người dùng quan tâm).

Tiếng Việt, với vai trò "ngôn ngữ quốc gia", là tài sản của đất nước. Tiếng Việt không chỉ là công cụ giao tiếp chính trong một cộng đồng cư dân rộng lớn mà còn là phương tiện lưu truyền văn hóa của các thế hệ người Việt. Mới đây, tôi thấy vui vui khi hay tin thành phố San Francisco đưa tiếng Việt , trong nỗ lực mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ công tới những người nói tiếng Việt.

Khi thế giới ngày càng nhỏ lại trong một cú nhấp chuột, khi giới trẻ ngày càng giỏi nhiều ngoại ngữ, tiếng Việt, như mọi ngôn ngữ khác, sẽ càng có nhiều cơ hội mở rộng người dùng. Nhưng công việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng vì thế mà khó khăn hơn. Nhiệm vụ này, trước hết thuộc về các nhà quản lý, giới nghiên cứu, giáo dục, các đơn vị truyền thông... Chẳng hạn, Khoản đ, Điều 4, Luật Báo chí 2016, quy định, báo chí có nhiệm vụ "góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt".

Nhưng điều quan trọng hơn cả là mỗi người Việt dùng tiếng Việt phải có ý thức hướng tới sự chuẩn mực, không chấp nhận sự dễ dãi trong khi dùng ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ viết.

Đặng Đình Cung

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom